Hoa hiên hay Huyên thảo - Hemerocallis fulva L., thuộc họ Hoa hiên - Hemerocallidaceae. Cây thảo sống lâu năm, có rễ củ tròn, xếp thành chùm. Lá nguyên hình dải hẹp, thường gặp xuống ở phía ngọn. Hoa to màu vàng cam, hình phễu, mọc trên một cán đài, Quả hình 3 cạnh, chứa nhiều hạt đen bóng.
Cây mọc hoang dại và được trồng ở nhiều nơi làm cây cảnh, lấy lá và hoa làm thuốc, lấy hoa làm rau ăn.
Người ta trồng Hoa hiên để lấy hoa. Hoa hái lúc chớm nở, phơi khô, tán bột để pha vào các nồi canh cá, canh cua. Hoa hiên tươi và lá tươi cũng dùng nấu canh ăn mát.
Lá và hoa dùng làm thuốc chữa chảy máu cam. Rễ cây được dùng làm thuốc lợi tiểu, giảm đau, chữa sốt, lỵ, các chứng chảy máu (nôn ra máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu).
Lá và rễ giã đắp trị sưng vú. Người ta thường dùng lá giã nát, thêm nước gạn uống lấy bã đắp trị, chảy máu cam. Có thể dùng hoa hoặc lá nấu canh ăn cũng có kết quả. Còn rễ dùng dưới dạng thuốc sắc, mỗi lần 6-12g để chữa viêm đại tràng.
Ở Trung quốc, người ta thường dùng rễ làm thuốc. Thu hái vào mùa thu. Rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô. Rễ hoa hiên có vị dịu, tính mát, hơi có độc, có tác dụng chống viêm, lợi tiểu, lọc máu, cầm máu. Được chỉ dẫn dùng chữa: 1. Viêm bàng quang, giảm niệu, đái ra huyết (huyết niệu); 2. Chảy máu cam, ho ra máu; 3. Viêm gan, vàng da; 4. Viêm vú, viêm tuyến mang tai, viêm tai giữa, đau răng. Liều dùng là 5-15g dưới dạng thuốc sắc. Có thể gia cây tươi đắp ngoài. Người ta sử dụng một số công thức để chữa:
- Viêm tai giữa, dùng 15g rễ tươi nấu chín với thịt lợn nạc trong một ít nước.
- Viêm tuyến mang tai, dùng 30g rễ tươi sắc uống, thêm đường.
Người ta lưu ý là rễ cây có độc nhẹ. Nếu dùng liễu cao sẽ dẫn đến một số triệu chứng như đái không kềm được, dãn đồng tử, ngưng hô hấp, mờ mắt. Vậy chỉ sử dụng ở liều lượng cho phép.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: THÔNG TIỂU TIỆN VÀ THÔNG MẬT - Hoa Hiên
Nhận xét
Đăng nhận xét