Màn màn hay Màn họa trắng - Cleome gynandra L., thuộc họ Màn màn – Capparaceae. Cây thảo hằng năm cao 1m, nhẵn hoặc hơi có lông. Lá kép chân vịt có 5 lá chét hình giáo ngược, thon hẹp ở gốc, ngắn hơn cuống lá chung. Hoa trắng, thành chùm ở ngọn cây, ở nách những lá bắc dạng lá không cuống, có 3 lá nhỏ. Quả nang dài dạng quả cải, mở thành 2 van dạng màng. Hạt hình thận.
Màn màn là loài liên nhiệt đới, phổ biến khắp Đông dương; thường gặp mọc hoang dại ở gần khu dân cư trên các đất hoang.
Cây có những tính chất kích thích và chống scorbut như cải soong nên cũng được nhiều dân tộc dùng ăn. Chúng có vị đắng nhưng khi nấu lên thì không còn vị đắng nữa. Nhân dân ta và Campuchia cũng thường dùng cành lá non và lá để làm rau ăn. Có thể luộc chấm nước mắm, xì dầu ăn với cơm, nhưng cũng thường muối chua như muối dưa.
Màn màn cũng được sử dụng để làm thuốc. Vị nhẩn the, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, giảm đau và dưỡng huyết. Người ta thường dùng lá màn màn nghiền ra với ít củ hành để đắp vùng bụng dưới làm dịu cơn đau thận, có tác dụng như lá thuốc chuyển máu. Có người dùng lá giã ra để đắp rút mủ mụn nhọt, đắp vào thái dương trị đau đầu, và cũng dùng đắp trị thấp khớp.
Ở Ấn độ và Malaixia, người ta dùng Màn màn trị bệnh về tai. Người ta dùng các hạt tươi đặt vào trong lỗ tai để hoà tan ráy tai nên có thể lấy ra dễ dàng. Ở vùng Đông Phi, rễ được dùng làm thuốc giúp sinh đẻ dễ.
Hạt của Màn màn có thể dùng như hạt Mù tạc của châu Âu. Hạt chứa 25% một chất dầu đặc màu lục nhạt, dính. Người ta dùng dầu này xoa cho cứng tóc và để diệt chấy trên đầu. Hạt cũng có khi dùng để thuốc cá.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét