Mít - Artocarpus heterophyllus Lam., thuộc họ Dâu tằm – Moraceae. Cây gỗ cao 12-15m đến 20m. Lá hình trái xoan nguyên hay chia thuỳ về một phía, dài 10-20cm. Cụm hoa đực (dái Mít) và cái đính trên thân cây hoặc trên các cành già. Quả to, hình trát xoan hay thuôn, dài tới 6cm và nặng tới 20-30kg hay hơn nữa. Quả mít chín có màu lục vàng, là một loại quả kép gồm nhiều quả bế mang bởi một bao hoa nạc trên một đế hoa chung. Mỗi hốc là một hạt (thực ra là quả bế) bao bởi một lớp nạc mềm màu vàng (tức là bao hoa).
Mít có nguồn gốc ở miền Nam Ấn độ và Malaixia, hiện được trồng hầu khắp nước ta, trong các vườn gia đình, quanh khu dân cư, trên nương rẫy.
Nhân dân ta dùng quả mít còn non để ăn luộc, xào, nấu canh hoặc muối dưa chua; xơ mít tham gia vào thành phần một loại dưa gọi là nhút (có vùng làm nhút nổi tiếng như nhút Thanh chương ở Nghệ an); xơ mít chín cũng dùng muối nén ăn được như dưa chua. Quá mít chín có các múi mít to, thơm ngọt, dùng để ăn tươi, chế nước sinh tố, ăn luộc hoặc phơi khô làm rau ăn hoặc làm mứt khô hay ngâm trong xirô để tráng miệng. Người ta đã xác định được tỷ lệ phần trăm của các thành phần chủ yếu trong phần ăn được của Mít: Nước 72,3; protein 1,7; lipid 0,3; đường tổng số 23,7. Trong 100g ăn được, có calcium 27g; phosphor 38mg; sắt 0,6mg; natri 2mg; kali 407mg và các vitamin: tương đương caroten 235 UI, B₁ 0,09; B₂ 0,11; P 0,7 và C 9mg. Cứ 100g Mít sẽ cung cấp cho cơ thể 94 Calo.
Hạt mít cũng ăn được, có thể luộc, nướng hay rang chín, phơi khô làm bột hoặc ghế với cơm; bột này có khi được trộn với bột đậu tương để làm đậu phụ. Lá mít dùng nuôi gia súc, có tác dụng kích thích sự tiết sữa.
Ăn mít khỏi khát, giã rượu. Uống rượu say mà ăn mít thì tỉnh rượu lại ngay. Hạt mít luộc gây trung tiện, làm cho dễ tiêu. Ăn múi mít chín với hạt luộc vừa ngọt, vừa bùi, khỏi lo đầy bụng, lâu tiêu.
- Phụ nữ để ít sữa, dùng lá mít tươi 40g sắc uống. Có thể thêm hạt cây gạo (sao vàng) 15g sắc với lá mít tươi, ngày uống 3 lần, mỗi lần 75-100ml.
- Ăn không tiêu, ỉa chảy, dùng lá Mít 20g sao vàng sắc uống. Có thể thêm Nam mộc hương 12g, ngày uống 2 lần, mỗi lần 30-50ml.
- Để làm thuốc an thần và trị cao huyết áp, dùng lá mít và vỏ cây mít, mỗi thứ 20g, sắc uống 2 lần trong ngày mỗi lần 50ml.
Quả mít non hoặc dái mít cũng được dùng hầm với chân giò lợn và nếp cho phụ nữ sinh để ăn cho nhiều sữa. Dái mít được dùng chữa sa dạ con. Hạt mít còn được dùng chữa ho. Nhựa mít dùng đắp rút mủ mụn nhọt và trừ giun.
Gần gũi với cây mít, còn có cây mít tố nữ - Artocarpus champeden (Lour.) Spreng., có múi dính vào cùi và để tách rời khỏi bì, nạc dày mềm và thơm, cũng dùng ăn như mít.
Cây Xa kê, còn gọi là Cây bánh mì - Artocarpus altilis (Park.) Fosb., gốc ở Malaixia, được trồng ở các tỉnh phía Nam, có lá dài đến một mét, chia 3-9 thuỳ.
Quả hình cầu màu xanh hay vàng vàng, to bằng đầu người, có nạc trắng không ngọt nhưng nhiều bột dùng làm bánh như bột khoai tây, và làm các loại bánh như bánh xèo, hoặc nấu, chiên như một thực phẩm. Phần múi ăn được của Xa kê chiếm 70% của quả phức, chứa tới 20% tinh bột, 3% protein và 0,5% lipid. Người ta lấy múi, đem luộc chín, nướng bỏ lò, nấu xúp đồ ăn, hoặc đem nghiền trộn với hột làm bánh, còn hạt thì luộc hoặc rang lên ăn như hạt dẻ.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Mít
Xem thêm: CÂY QUẢ CÂY THUỐC - MÍT
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Cây Xa Kê
Nhận xét
Đăng nhận xét