Nghể bà, Ngải bà, Nghể đông hay Nghể trâu - Polygonum orientale L., thuộc họ Rau răm - Polygonaceae. Cỏ mọc hằng năm, phủ lông rất mềm ở tất cả các bộ phận. Thân khá to, phân nhánh trải ra. Lá có cuống và có kích thước lớn, dài 30-35cm, hình trái xoan hay thuôn, hơi hình tím ở gốc, chóp nhọn; bẹ chìa cũng có lông mềm, dạng chén kéo dài. Hoa xếp thành bông kéo dài, hợp thành ngù ở ngọn cây, trên những cuống dài không lông. Quả hình lăng kính, tù ở gốc, thót lại ở ngọn.
Nghề bà mọc rất phổ biến trên những vùng đất hoang, nhất là ở các đồng bằng khắp Viễn đông. Người ta thường dùng các lá non có vị chua để nấu canh ăn cho mát.
Nghể bà cũng được sử dụng làm thuốc. Cây và quả có tác dụng thanh nhiệt, hoạt huyết, giải độc, làm sáng mắt, chữa thấp khớp, đau đầu, đau thần kinh, đau răng, đau bụng, trẻ con cam tích, trị lỵ, nhọt độc. Thường dùng uống trong hoặc đắp ngoài. Hoa làm tan máu, tiêu tích, khỏi đau. Cuống lá nấu nước uống trị sán khí. Lá chữa trúng độc.
Ở một số nuớc khác, loài cây này cũng được sử dụng nhiều.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CÂY RAU LÀM THUỐC - NGHỂ
Nhận xét
Đăng nhận xét