Rau bợ, Rau bợ nước, Rau tần hay Cỏ bợ - Marsilea quadrifolia L., thuộc họ Rau bợ - Marsileaceae. Dương xỉ thuỷ sinh, có thân rễ bò dưới đất, chia thành nhiều mấu, mỗi mấu mang rễ và 2 lá có cuống dài. Lá có 4 thuỳ chéo chữ thập. Bào tử quả là cơ quan sinh sản, mọc ở gốc cuống lá.
Rau bợ phân bố ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ latinh. Ở nước ta, Rau bợ mọc hoang ở ruộng nước nông, dọc bờ ao, bờ mương và các nơi ẩm, chỗ nước cạn không chảy. Người ta hái Rau bợ về làm rau ăn sống, xào, luộc ăn hoặc nấu canh với tôm tép. Cũng thường được hái về làm rau cho lợn.
Người ta đã biết trong 100g, Rau bợ, có nước 84,2g; protein 4,6g; glucid 1,6g, và các vitamin: caroten 0,27mg, C 76mg. Nó cung cấp cho cơ thể 25 calo.
Rau bợ cũng được dùng làm thuốc. Nó có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu tiện, tiêu sưng, giải độc, nhuận gan, sáng mắt, trấn tĩnh. Người ta hái lá cây về sao vàng hoặc phơi khô, sắc đặc uống làm thuốc mát, thông tiểu tiện, chữa cước khí, thuỷ thũng, viêm gan, đau răng lợi, chữa bạch đới, khí hư và chứng mất ngủ. Dùng tươi lấy lá giã nát, pha thêm nước, lấy nước cốt uống trị rắn cắn, hoặc dùng bã đắp lên vết thương, lên những chỗ sưng đau, sưng vú, tắc tia sữa, áp xe. Cũng dùng bôi chữa sưng lở nổi mẩn do nhiệt. Dùng lá tươi giã nát pha nước chín uống chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, mỗi lần uống 1 bát nước vào buổi sáng sớm, liên tiếp trong 5 ngày, thì sỏi sạn sẽ bị tống ra.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: THÔNG TIỂU TIỆN VÀ THÔNG MẬT - Cỏ Bợ
Nhận xét
Đăng nhận xét