Rau khúc hay Rau khúc vàng - Gnaphalium affine D.Don = G. multiceps Wall. ex DC., thuộc họ Cúc - Asteraceae. Cây thảo mọc hằng năm hay 2 năm. Thân cao tới 40-50cm, màu trắng, có lông như bông. Lá nguyên, mọc so le, thuôn hình dải, tù và có mũi cứng ở đỉnh, thon hẹp dần lại ở gốc, hơi men theo cuống, dài 4-7cm, rộng 5-15mm, có lông mềm. Đầu hoa màu vàng ánh, tập hợp thành ngù, với nhiều lá bắc có lông như bông ở mặt lưng. Quả bế thuôn hình trứng, có mào lông gồm những tơ hình sợi tóc.
Rau khúc nhân bổ ở vùng Viễn đông, từ Ấn độ tới Trung quốc, Nhật bản và Philippin. Ở nước ta, Rau khúc rất phổ biến ở những nơi đất trống, các ruộng bỏ hoang, nhiều nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Còn có một loài khác là Rau khúc tẻ hay Rau khúc Ấn (Gnaphalium indicum L.) cũng thường gặp ở nước ta.
Nhân dân ta thường hái các chồi non, đem quết với bột gạo nếp để làm loại bánh có nhân đậu gọi là bánh khúc. Lá và ngọn non cũng dùng luộc ăn như các loại rau khác.
Người ta cũng dùng Rau khúc để làm thuốc, thu hái vào mùa xuân, mùa hè, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô. Rau khúc có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tiêu đàm trị ho, trị suyễn, trị thấp khớp và hạ huyết áp.
Thường dùng trị: l. Cảm sốt, ho, viêm khí quản mạn, hen suyễn; 2. Sự tiêu máu cấp, sự ngộ độc đậu; 3. Thấp khớp; 4. Huyết áp cao. Dùng ngoài trị chấn thương, bị thương, trị rắn cắn. Liều dùng 15-30g dạng thuốc sắc.
- Chữa cảm sốt, ho, viêm họng, hen suyễn, đờm nghịch, dùng Rau khúc khô 30g sắc uống, hoặc thêm Gừng, Hành, mỗi vị 10g cùng sắc.
- Chữa rắn cắn và bị thương đau nhức, giã lá Rau khúc tươi đắp rịt.
Ở Trung quốc, Rau khúc cũng được sử dụng nhiều làm thuốc. Để chữa viêm khí quản mạn tính, người ta dùng Rau khúc 15g, Khoản đông họa, lá Tỳ bà, hạt quả Mơ, mỗi vị 10g, sắc nước uống.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét