Rau mùi tàu, Rau mùi cần, Mùi tàu, Ngò tây, Ngò tàu, Ngò gai - Eryngium foetidum L., thuộc họ Hoa tán - Apiaceae. Cây thảo sống hằng năm hay vài năm, có thân mọc đứng, phân nhánh ở ngọn, cao 15 - 50cm. Lá mọc sát đất thành hình hoa thị ở gốc, có phiến mỏng, thuôn, hình mũi mác, thon hẹp lại ở gốc, mép có răng cưa, hơi có gai, Lá ở thân càng lên càng ngắn, nhỏ dần, có nhiều răng cưa và gai sắc hơn. Hoa màu trắng lục, mọc thành tán. Quả hình cầu, hơi dẹp, có vẩy. Toàn cây có tinh dầu, nên có mùi thơm như rau mùi.
Rau mùi tàu là cây mọc hoang, phổ biến ở nơi ẩm vùng đồi núi và cũng được trồng nhiều làm rau gia vị. Rau mùi tàu là loài rau thơm quen thuộc của nhân dân ta. Thường dùng lẫn với các loại rau thơm khác (Húng quế, Rau ngổ) khi ăn phở, ăn với thịt bò, dùng trộn với rau sống hay nấu với giấm cá. Phụ nữ thường dùng phối hợp với bồ kết nấu nước gội đầu cho thơm tóc.
Để làm thuốc, người ta dùng toàn cây, thu hái quanh năm. Dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Rau mùi tàu có vị cay hơi đắng, thơm, tính ấm, có tác dụng khai vị, giúp ăn ngon cơm, tiêu thức ăn, gây ngủ ngon giấc, giải nhiệt. Thường được chỉ định dùng chữa sổ mũi, đau tức ngực, chữa rối loạn tiêu hoá, viêm ruột, ỉa chảy. Còn dùng giải độc các chất tanh lạnh, và có tác dụng sơ phong, trừ thấp, giải cảm thấp nhiệt. Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Giã tươi dùng đắp ngoài trị chấn thương, bị thương.
Để chữa đau bụng, rối loạn tiêu hoá, cảm cúm, dùng 20-30g Rau mùi tàu tươi sắc uống hoặc nhai nuốt nước, có thể phối hợp với Gừng sống, củ Sả, Tía tô, mỗi vị 12g cùng sắc uống.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - MÙI TÀU
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Rau Mùi Tàu
Nhận xét
Đăng nhận xét