Rau muối - Chenopodium album L., thuộc họ Rau muối - Chenopodiaceae. Cây thân cỏ cao 6cm đến 1m. Thân đứng, nhẵn, có khía, phân nhánh nhiều. Lá mọc so le, có cuống ngắn, thuôn, các lá phía dưới lớn hơn, có hình thoi, có răng lượn sóng ở mép; các lá phía trên nhỏ hơn, hầu như nguyên, tất cả đều có màu lục trăng trắng và có phấn (do các lông mọng nước, làm cho mặt lá như rắc bột, rắc muối, hay dính những giọt sương muối), dài 3-5cm, rộng 27-45mm, thưa hay sít, kéo dài và ít phân nhánh. Quả có bao gồm các phiến dạng thìa bao bọc, hạt óng ánh, màu đen.
Rau muối là cây đa dạng, phổ biến ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở nước ta, nó mọc hoang khắp nơi, thường gặp ở các ruộng bỏ hoang, các nương rẫy cũ, các thung lũng đất tốt, các bãi ven sông, các bãi đất mặn và ruộng muối.
Ở các nước Á Đông, người ta thu hái các ngọn non và lá non của các cây hoang dại để làm rau cho người ăn, có thể dùng luộc, xào hoặc nấu canh. Người ta đã xác định được thành phần của cây: Các thân có lá chứa 8,93% hydrat carbon, 3,9% protein; 0,76% chất béo và 8% tro. Ở nước ta, thành phần hoá học của Rau muối được biết như sau: nước 87,7%; protein 5,3%; glucid 1,2%; cellulose 3,6%; khoáng toàn phần 2,2%; có các muối khoáng: calcium 132mg%; phosphor 2,3mg%; các vitamin: caroten 5,60mg% và C 108mg%.
Ở Myanma, người ta trồng Rau muối để thu hoạch hạt chế bột. Trong hạt, có 48,85% hydrat carbon ; 16,1% protein; 6,37% chất béo và 5,88% tro. Ở Ấn độ, người ta cũng thu hạt Rau muối với mục đích như trên.
Rau muối có mùi hôi, nhưng thường dùng ăn nhuận tràng. Cũng dùng làm thuốc trị mộng tinh, làm thuốc trị rắn cắn. Thân và rễ cũng được dùng trị bệnh lậu của phụ nữ.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét