Rau ngót, Bồ ngót, Bù ngót - Sauropus androgynus (L.) Merr., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae. Cây nhỏ cao cỡ 1,5m phân cành nhiều, mỗi cành mang 10-12 lá hình trứng dài hoặc bầu dục, mọc so le, xếp thành hai dãy. Hoa đơn tính cùng gốc mọc ở nách lá. Quả nang hình cầu dẹp mang đài hoa tồn tại màu đỏ. Hạt hình ba góc, có vân nhỏ.
Rau ngót phân bố ở Ấn độ, Trung quốc, Việt nam, Lào, Campuchia, Philippin và Inđônêxia. Ở nước ta, Rau ngót mọc hoang và được trồng khắp nơi.
Người ta thường dùng đọt Rau ngót hoặc các lá bánh tẻ để nấu canh với tôm, tép hoặc cá lóc, cá rô, thịt lợn nạc. Canh Rau ngót ăn mát và có vị ngọt rất đặc biệt. Cách nấu canh Rau ngót cũng giống như các loại rau khác, nghĩa là đun nước cho thật sôi, cho tôm cá vào xoong, đun sôi chín rồi mới cho rau ngót vào đến khi rau chín thì nêm nếm lại bằng bột ngọt và nước mắm chưng (mắm lóc hoặc mắm sặc). Hương vị nồi canh sẽ rất đậm đà. Canh Rau ngót được nhiều người ưa thích vì vị ngọt dịu.
Người ta chỉ mới biết trong lá Rau ngót có các thành phần tính theo tỷ lệ phần trăm như sau: nước 86,4%; protein 5,3%; glucid 3,4%; cellulose 2,5%; khoáng toàn phần 2,4%. Còn có 196mg% calcium; 64,5mg% phosphor. Các acid amin thường gặp ở Rau ngót là: Lizin (0,16); Triptophan (0,24); Phenilalanin (0,25); Treonin (0,35); Metionin (0,13); Leucin (0,24); Isoleucin (013); Valin(0,17). 100g Rau ngót cung cấp cho cơ thể 36 calo.
Rau ngót là loại cây dễ trồng. Theo kỹ sư Đào Mạnh Khuyến, trồng Rau ngót vào mùa xuân, chọn đoạn thân bánh tẻ, không dập, không sứt vỏ, còn ngọn, mỗi đoạn hom đài khoảng 20-25cm. Trên lô đất trồng xẻ rãnh rộng 20-25cm, sâu 10-15cm. Rãnh nọ cách rãnh kia 10-50cm. Trong rãnh đổ bùn ao và mùn rác. Cắm hom nghiêng 60-70° hoặc cắm thẳng vào đất bùn. Mỗi hom cách nhau 15-20cm, rồi lấp đất kín rãnh. Sau 10-15 ngày, bùn khô dần, hom ra rễ, luôn luôn giữ ẩm vừa phải cho đất không làm đất sũng nước. Sau mỗi lần thu hái lá, cần tưới nước tiểu loãng. Làm cỏ bằng tay, tránh làm đứt rễ, cây Rau ngót sẽ bị xoăn lá. Rau ngót ít cần ánh sáng, nên có thể tận dụng trồng ở hai bên cạnh hàng rào, dưới tán cây lớn. Hàng năm vào mùa xuân, nên đốn sát gốc cũ để cành mọc lại, cây trẻ lâu và cho năng suất cao.
Người ta thường dùng lá Rau ngót chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, bí tiểu và dùng tiêu độc. Nhân dân quen dùng Rau ngót tươi giã đắp lên hai gan bàn chân chữa sót nhau, và giã nát lấy nước cốt rơ vào miệng cho trẻ em chữa tưa lưỡi.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Rau Ngót
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - RAU NGÓT
Nhận xét
Đăng nhận xét