Rau sam đắng, Rau đắng biển hay Cây ruột gà - Bacopa monnieri (L.) Wettst., thuộc họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae. Cây thảo sống dai, nhẵn, có thân mọc dài, có rễ ở các đốt, dài 20-40cm, có các nhánh mềm hướng lên trên. Lá mọc đối, không cuống, thuôn, tù, dài 8-12mm, rộng 3-5mm. Hoa mọc đơn độc ở nách lá. Quả nang dạng trứng, có mũi, nhẵn, mang vòi tổn tại. Hạt nhiều, có góc.
Rau sam đắng phân bố nhiều ở các nước châu Á (Ấn độ, Trung quốc...). Ở Việt nam, cũng gặp mọc phổ biến ở ven bờ ruộng, bãi cỏ đất cát… Cây dùng làm rau ăn sống như xà lách hoặc dùng nấu canh.
Toàn cây chứa nhiều alcaloid, chủ yếu là Herpestin. Cây có vị đắng, mát, được xem như là thuốc kích thích và chống co thắt. Thường dùng làm thuốc trị ho, lợi tiểu và bổ thận, làm cho thoát khí, xuất hơi độc.
Nhân dân ta thường dùng Rau sam đắng làm thuốc trị nhức mỏi, tê bại, bị đòn ngã. Còn dùng thay vị Rau má trong Toa căn bản, xem như là vị thuốc nhuận gan, bớt vàng da. Người ta thường dùng cây khô sắc nước uống. Dùng ngoài nấu nước tắm trị ghẻ.
Ở Ấn độ, người ta dùng cây này làm thuốc khai vị và lợi tiểu; dịch của nó, trộn lẫn với dầu hoả, dùng như loại thuốc bôi ngoài trị thấp khớp. Ở Xri Lanca, toàn cây dùng làm thuốc xổ, đun nước nóng rửa chữa bệnh nhọt độc sưng ngoài da như da voi. Ở Trung quốc, nó được xem như có tác dụng hạ nhiệt, giải độc tiêu viêm, trừ thũng, được dùng trị xích, bạch ly, (ly ra máu, mủ), mắt đỏ sưng đau, da sưng lở.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CHỮA HO HEN - Cây Ruột Gà
Nhận xét
Đăng nhận xét