Su hào, từ tiếng Pháp Chou rave (Su ravơ) đọc biến âm đi, cũng là một loài cải - Brassica oleracea L. var. caulorapa L., thuộc họ Cải - Brassicaceae. Su hào là loài cây thảo đặc trưng bởi thân phình lên thành củ hình cầu hay hơi dẹp, cách mặt đất vài cm, cho ta một khối nạc và mềm. Nhưng các bó mạch trong đó hoá gỗ nhanh chóng, nên phải thu hoạch đúng lúc, nếu không củ Su hào lắm xơ ăn không ngon. Lá hình trứng có mép lượn sóng, xẻ thuỳ ở phần gốc, cuống lá dài. Cụm hoa dạng chùm ở ngọn thân. Quả có mỏ rất ngắn, chứa nhiều hạt bé, có góc cạnh.
Su hào bắt nguồn từ loài cải Brassica oleracea L. mọc hoang đại ở vùng bờ biển các nước Italia, Anh, Pháp, hiện nay được trồng khắp các nước châu Âu và các nước ôn đới trên thế giới để lấy củ làm rau ăn. Có nhiều giống trồng khác nhau, phân biệt ở kích thước, hình dạng và màu sắc của củ.
Ở nước ta, Su hào được nhập trồng cuối thế kỷ 19. Hiện nay được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc trong mùa đông để làm rau ăn. Người ta dùng củ (và cả lá) luộc ăn, xào mỡ, xào thịt hầm xương làm canh ăn. Hoặc dùng củ non thái nhỏ làm nộm, hoặc phơi tái làm dưa món, muối dưa, làm càlà thầu. Người ta đã xác định được thành phần hoá học của lá và củ Su hào theo tỷ lệ phân trăm như sau:
- Lá: nước 82,6; protein 1,9; lipid 0,9; cellulose 2,2; dẫn xuất không protein 10,1; khoáng toàn phần 2,3.
- Củ: nước 90,7; protein 2,0; lipid 0,1; cellulose 1,7; dẫn xuất không protein 4,0 và khoáng toàn phần 1,5.
Hàm lượng calcium ở lá (0,14mg%) cao hơn ở củ (0,05mg%) và phosphor ở lá (0,05) hơi cao hơn ở củ (0,04).
Có tài liệu cho biết, để cung cấp cho cơ thể 25 calo, ta cần ăn 34g củ Su hào, trong đó chứa 0,5g protein và 5,5g glucid, còn lượng lipid không đáng kể.
Ngoài việc sử dụng làm rau ăn cho người, Su hào cũng được dùng để nuôi lợn, cừu, bò sữa và gà vịt.
Su hào có vị ngọt, tính mát, có tác dụng nhuận tràng. Người ta cũng dùng nó như Cải bắp để chữa bệnh viêm loét hành tá,tràng. Dùng củ Su hào 30g và lá Sống đời 30g, giả nhỏ, chế thêm nước chín, vắt lấy nước cốt uống. Hoặc cũng chế như nước Bắp cải để dùng.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét