Tỏi - Allium sativum L., thuộc họ Hành - Alliaceae. Cây thảo nhỏ, cao 25-50cm. Thân thực hình trụ phía dưới mang nhiều rễ phụ, phía trên mang nhiều lá cứng, thẳng, có mép hơi ráp, có rãnh dọc, rộng khoảng 1cm và dài khoảng 15cm. Ở mỗi nách lá phía gốc, có một chỗi nhỏ sau này phát triển thành một tép (ánh) tỏi; các tép tỏi nằm chung trong một cái bao (do các bẹ lá trước tạo ra) tạo thành một củ tỏi tức là thân hành (giò) của tỏi. Hoa ở ngọn thân xếp thành tán… Bao hoa màu trắng hay đỏ đỏ hoặc lục nhạt bao bởi một cái mo dễ rụng tận cùng thành mũi nhọn dài.
Tỏi có nguồn gốc ở miền trung châu Á và được gây trông ở nhiều nước miền ôn đới, Tỏi được trồng dễ dàng bằng ánh tỏi (tép), trồng tháng 4, tháng 7-8 đã có thu hoạch. Ở nước ta có những vùng trồng tỏi có tiếng như Quảng ngãi, Bắc giang, Hải hưng, hằng năm có hàng trăm tấn tỏi được xuất khẩu. Tỏi Bắc giang củ to, vị thơm, lắm bột rất được ưa chuộng.
Tỏi là cây gia vị có giá trị sử dụng và giá trị sinh học cao, dùng tăng nhiệt cho cơ thể (100g tỏi cho tới 121 calo, còn khoai tây cho 94 calo). Người ta biết trong 100g Tỏi có 67,7% nước; 6,0% chất đạm; 23,5% chất bột (khoai tây 21,4); 1,5 chất xơ; 181mg phosphor và còn có các vitamin B₁, B₂; PP. Tỏi là loại gia vị tiêu thụ trong nước và dùng xuất khẩu dưới dạng củ khô, tỏi thái lát khô, tỏi nghiền bột. Trong lịch sử Y học, người ta nói đến những người xây dựng kỳ quan Babilon (4500 năm trước công nguyên), những thợ Kim tự tháp Ai cập (2700 năm trước công nguyên) đều được ăn tỏi hằng ngày để có sức dẻo dai; cũng vào thời kỳ này, người ta đã làm vòng cho trẻ con đeo để đề phòng ký sinh trùng. Các lực sĩ thời Thượng cổ, trong các kỳ thi trò chơi Olympic, đều có ăn tỏi trước khi thi. Galiên, một thầy thuốc vĩ đại của thời đó đã xem tối là thuốc bách bệnh của người nông thôn; đồng nghiệp của Ông là Dioscoride xem tỏi là loại thuốc bổ, lợi tiểu, trị giun, một chất giải độc, và sau cùng là loại thuốc trị hen suyễn, vàng da, đau răng và các bệnh về da...
Nhân dân Ai cập và Ấn độ... đều biết dùng Tỏi trị bệnh từ thời cổ xưa. Tại Trung quốc, Tỏi đã được dùng chống được bệnh đau màng óc, bệnh xơ cứng động mạch, huyết áp cao, ung thư, hạn chế bệnh đái đường, chữa bệnh viêm đường ruột do nhiễm khuẩn và trị giun sán.
Cùng với thời gian, con người càng biết được nhiều tác dụng của Tỏi:
1. Tỏi là chất kháng sinh và sát khuẩn nói chung. Hơi Tỏi tiêu diệt có hiệu quả các vi trùng nguy hiểm. Trong trường hợp cảm lạnh, hen phế quản và ho gà, người ta xoa ngực với tỏi giã nát. Người ta dùng một tép Tỏi tươi xoa ngoài da trị chàm, nấm tóc và mụt cóc mà những phương pháp khác không trị lành. Ta thường dùng cồn tỏi để nhỏ mũi hoặc cho ngửi tỏi nghiền nhỏ cũng để trị lành các bệnh cúm, viêm họng, số mũi lúc mới khởi phát. Cũng dùng tốt đối với các bệnh nặng hơn như ho gà, viêm phổi, viêm tai, viêm niêm mạc mắt.
2. Tỏi điều hòa hệ sinh vật của ruột. Tỏi ngăn cản sự phất triển của một số vi khuẩn nguy hiểm trong ống tiêu hoá. Được sử dụng trong các trường hợp ỉa chảy, lỵ, co cứng dạ dày, khó tiêu, trướng bụng... nói chung những bệnh nhiễm trùng đường ruột, viêm kết tràng. Nó điều hoà sự tiêu hoá và sự hoạt động của ruột.
3. Tỏi là thuốc trị giun đặc biệt, có tác dụng đối với tất cả các loại giun, kể cả giun đũa, nhất là đối với giun kim.
4. Tỏi là chất kích thích cơ thể và điều hoà, các chức năng chủ yếu như các rối loạn gan (bệnh vàng da) và các tuyến nội tiết, thống phong, đau dây thần kinh hông, chóng mặt, ù tai, cơn nóng thình lình...
5. Tỏi là thuốc chữa bệnh đái đường; nó điều hoà hàm lượng glucose trong máu. Dùng tốt cho những người béo phì, người được kiều dưỡng.
6. Tỏi là chất phòng ngừa trạng thái ung thư, nhất là những trạng thái ung thư của ống tiêu hoá, khi có sự báo hiệu của táo bón mà tỏi đóng vai trò tự chống độc, ở đó nó kích thích sự tiết dịch của dạ dày đồng thời làm mạnh ruột.
Các nhà nghiên cứu Nhật bản đã ghép vào thú vật những tế bào ung thư đã được ngâm trong cao Tỏi với những số lượng tăng dần và nhận thấy ngay cả những liều thật mạnh cũng không tạo nên u.
7. Sau cùng, nó là người bạn của sự tuần hoàn. Không những nó hạ huyết áp mà nó còn làm mềm các mạch máu (chống xơ cứng động mạch), nó điều hoà tỷ lệ cholesterol, nó tăng cường sự làm việc của các hồng cầu vận chuyển oxy, nó cản trở sự đầu độc của nicotin và các chất ô nhiễm khác.
Những người mắc bệnh cao huyết áp và xơ vữa động mạch nên ăn mỗi ngày 2-3 tép Tỏi để làm dãn các mạch máu và tránh được chứng nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ. Kinh nghiệm lâu đời của nhân dân ta hòa tỏi với rượu (l phần tỏi, 5 phần rượu 60°) uống 2-3 lần trong ngày, mỗi lần 25-30 giọt để chữa cao huyết áp.
Tỏi cũng rất cần đối với những người làm việc ở một chỗ, ít đi lại nhất là đối với những người hoạt động trí óc, vì nó kích thích não, tim và các tuyến sinh dục.
Các dạng bào chế Tỏi thường dùng ở nước ta là:
1. Tương tỏi: Tỏi rửa sạch, cho vào nước, đun sôi, nghiền nát, dùng gạc lọc lấy nước, đóng chai, nút kín. Bã để lại dùng làm rượu Tỏi.
2. Rượu Tỏi: Lấy bã tỏi (ở trên) ngâm vào cồn 70° trong 8-10 ngày (1 phần bã, 2 phần cồn), lọc lấy nước. Hoặc dùng 200g tỏi bóc vỏ, nghiền nát, ngâm trong 1000ml cồn 60° trong 10 ngày rồi lọc, vắt.
3. Hỗn hợp Tỏi: Tương tỏi 1 phần, nước muối đẳng trương 8,7 phần, novocain 0,3 phần.
Các dạng này thường dùng nhỏ mũi và cho uống trị viêm cấp tính đường hô hấp và chữa cúm.
4. Cao Tỏi: Cao Ête tỏi 0,10g, côn thuốc bạch đàn 10 giọt, Bơ ca cao vừa đủ 2g. Dùng cho trẻ em dưới 10 tuổi để trị giun kim ở trực tràng và sát trùng ở toàn bộ đường ruột.
5. Chiết hoạt chất Alixin của tỏi: làm thuốc sát trùng, phối hợp với A nguỳ để trị giun kim, chữa lỵ trực trùng và diệt trùng dường hô hấp. Hoặc hợp với B₁ sẽ được chất Thianinalyl-disunfua có nhiều ưu điểm hơn vitamin B₁ vì chất này không bị các vị sinh vật đường ruột làm tiêu hao, khả năng được cơ thể hấp thụ còn cao hơn cả B₁.
6. Thuốc Tỏi để xông: Rượu Tỏi 20% 8,5ml, Tinh dầu tràm 5ml. Tỏi đem giã giập ngâm cồn 90° trong 8-10 ngày. Pha lúc đầu, dung dịch đục trắng, sau trong. Lấy cồn Tỏi trộn với tinh dầu trên. Bảo quản trong lọ kín. Khi dùng, cho vào bình nước hay nồi nước nóng 5ml thuốc. Khi xông, trùm kín chăn, khuấy đều cho hơi bốc lên. Thuốc này để được lâu, sử dụng có thể tiết kiệm hoặc thay thế được nhiều loại thuốc hạ nhiệt, giảm sốt khác (Aspirin, APC) và không độc.
Ngày nay, người ta biết trong tỏi có một glucosid có lưu huỳnh, một chất dầu bay hơi hỗn hợp của Sunfua và oxyt allyl gần như nguyên chất Lưu huỳnh, I₂, Si, hai hoạt chất kháng khuẩn (Alixin và Garlixin). Trong Tỏi, còn có nhiều glucid, nhất là các glucid cô đặc kiểu Fructoza.
Alixin có tác dụng ức chế đối với các vi khuẩn gram (+) và gram (-) (Staphylococcus, Streptococcus, các vi khuẩn đường ruột). Nó còn chống các nấm gây bệnh. Tỏi có tính chất lợi tiểu là do các fructosan và tinh dầu.
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy chất Prostaglandin trong nước Tỏi có khả năng hạn chế bệnh nhồi máu cơ tim. Prostaglandin A₁ có công dụng hạ huyết áp. Họ cũng chứng minh khả năng điều trị các bệnh tim mạch, phòng vữa xơ động mạch, bệnh huyết áp và dược tính chống nhiễm trùng do Tỏi chứa một hàm lượng kim loại hiếm là selen và hợp chất sulfua, có tác dụng chống nhiễm khuẩn đường ruột, đường hô hấp. Các bác sĩ Nhật Bản nhận xét rằng Tỏi có tác dụng chữa chứng đau lưng, viêm khớp là do có chứa chất Allixotine.
Tỏi có nhiều công dụng. Tỏi đã đi vào đời sống của nhân dân ta, hầu như nó không vắng mặt trong các bữa ăn của rất đông gia đình thành thị cũng như nông thôn, không những chỉ là một món gia vị làm cho bữa ăn thêm hấp dẫn mà chính nó lại là một vị thuốc góp công phòng bệnh và trị bệnh hàng ngày của nhân dân ta. Nên thường xuyên sử dụng Tỏi trong bữa ăn, dùng Tỏi để chế cồn Tỏi là dạng sử dụng đơn giản nhất. Khi có bệnh, chỉ cần dùng 20-40 giọt trong một ngày.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - TỎI
Nhận xét
Đăng nhận xét