Tên khác: Mộc miễn
Tên khoa học: Gossampinus malabarica (DC.) Merr. Họ Bông gạo (Bom bacaceae).
Nguồn gốc và mô tả:
Cây nguồn gốc ở Ấn Độ, được trồng ở Đông Nam Á, (ở độ cao 1 - 900 m) như Việt Nam, Indonesia. Ở Indonesia, cây Bông gạo là loại cây gỗ to, cao tới 15 m; hoa to màu đỏ, có khi chuyển thành da cam hay màu vàng. Vỏ và thân cây chứa tanin và sợi.
Cây Bông gạo ở Việt Nam, mọc hoang ở miền đồi núi và được trồng ở 2 bên đường; cây lấy gỗ và làm thuốc.
Mô tả:
Cây gỗ to, cao khoảng 15 m hoặc hơn. Thân có gai, cành nằm ngang. Lá sớm rụng, kép chân vịt gồm 5 - 8 chét. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành. Đài dày bao bọc lấy nụ hoa. Khi hoa nở thì rách ra thành 3 - 5 mảnh không đều nhau. Tràng 5, màu đỏ, nhị đa thể, làm thành 6 bó; bầu thượng 5 ô, 1 vòi mang năm đầu nhụy. Quả nang, vỏ quả trong có nhiều lông trắng dài. Mùa hoa: tháng 3; mùa quả: tháng 5.
Bộ phận dùng:
Vỏ cây, hoa, hạt, đầu hạt, Bông gạo.
Công dụng:
Hạt ép dầu thay thế cho dầu hạt bông; nhựa thay thế gôm adragant. Gỗ làm bột giấy. Sợi vỏ cây dùng bện thừng; vỏ cây là thuốc chữa chứng sốt. Rễ chữa sốt thương hàn, viêm amidan, liệt dương.
Dùng vỏ cây cạo bỏ vỏ thô bên ngoài, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống; hoặc dùng ngoài: vỏ tươi, giã nát đắp chỗ đau.
Hạt: Sao vàng, sắc thuốc lấy nước để uống, làm tăng sữa. Ngày dùng 18 - 20 g. Dầu hạt, chữa lở, ngứa ngoài da.
Bông gạo: Đốt thành than, uống chữa băng huyết; cầm máu vết thương.
Theo Đông y:
1. Hoa:
Tính vị quy kinh: Hoa gạo (Mộc miên hoa) [theo Trung Dược đại từ điển 1993] cam, lương.
Công dụng: Thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc, chỉ huyết. Trị: tiết tả (tiêu chẩy) huyết băng, sang độc
Cách dùng, liều lượng: ngày dùng 8 - 12 g thuốc sắc để uống.
3. Rễ: Rễ cây Bông gạo (Mộc miễn căn) [Theo Trung Dược Đại Từ điển 1993]
Tính vị: Cam, lương
Công dụng: Thanh nhiệt, lợi thấp, thu liễm, chỉ huyết.
Chủ trị: Điều trị viêm mạn tính; loét dạ dày; sau khi sinh đẻ bị phù thũng; xích lỵ; tràng nhạc; bị đánh bị ngã tổn thương.
Cách dùng, liều lượng:
- Uống: ngày dùng 20 - 40g, dạng thuốc sắc.
- Dùng ngoài: Giã nát, bôi đắp chỗ đau hoặc ngâm rượu xoa bóp.
3. Vỏ: Cây Bông gạo:
Tính vị: Cam, lương (ngọt, mát)
Công dụng: Thống huyết, tán ứ, sát trùng
Cách dùng, liều lượng:
- Vỏ chữa gẫy xương (giã vỏ tươi, bó)
- Chữa đau răng (sắc nước vỏ để ngâm hoặc giã vỏ để ngậm)
- Trị quai bị (sắc uống 10 - 20 g, đồng thời giã đắp)
- Trị ỉa chảy, kiết lỵ (vỏ hoặc hoa, sắc uống) ngày 10 - 40g (Theo sách Dược liệu Việt Nam, Bộ Y tế, 1978).
Chú thích: Dược liệu này có ghi trong Nam Dược Thần Hiệu, Tuệ Tĩnh.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Bông Gạo
Nhận xét
Đăng nhận xét