Tên khác: Cẩm chướng tuyệt đẹp, Tráng lệ, Củ mạch, Đại lan, Trúc tiết thảo, Đại cúc.
Tên khoa học: Dianthus superbus L. Họ Cẩm chướng (Caryophyllaceae)
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc Trung Quốc, mọc ở trong bụi cỏ, sườn đồi hoặc khe nứt. Cây thường phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu.
Mô tả:
Cây thảo sống dai, cao 50 - 60 cm hoặc hơn, thân mọc thành khóm, thẳng đứng, nhẵn, phân cành ở phía trên. Lá mọc đối, hình mũi mác, dài hẹp; dầu nhọn, mép nguyên, gốc lá ôm lấy thân cây; lá ở bộ phận dưới hơi tù, có 3 gân. Cụm hoa hình chuỳ xim. Ra hoa tháng 7 - 9; hoa màu hồng hoặc tím nhạt, to và thơm. Đài con bao gồm những vẩy hình trái xoan, rộng với sợi râu; dài bằng 1/4 đài lớn. Đài lớn mọc hơi xen kẽ ở ngọn, với những sợi dây theo chiều dài, đài có 5 răng, tràng có 5 cánh hoa, dai và có móng với sợi dây nhỏ; nhị 10; bầu có 1 ô, 2 vòi nhuy. Quả nang hình trụ tròn, có 4 van. Dược liệu vị đắng.
Bộ phận dùng: Toàn cây
Thành phần hoá học:
Cây tươi chứa thuỷ phần 77,3%, protein 2,62%, sợi cellulose 4,95%, tro toàn phần 11,09%, phosphor 0,13%, tiền sinh tố A.
Tác dụng:
- Lợi niệu
- Tác dụng đối với đường ruột
- Ảnh hưởng đối với hệ tim mạch
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Khổ, hàn; vào các kinh tâm, thận, tiểu trưởng, bàng quang.
Công dụng, chủ trị: Thanh nhiệt lợi thuỷ, tán huyết thông kinh.
Điều trị: tiểu tiện không thông, bệnh về đường tiết niệu, thuỷ thũng, bế kinh, ung thũng, mắt đỏ kéo màng, mạn dâm sang độc.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6g - 12g nước sắc hay hoàn tán.
Dùng ngoài: tán bột nhỏ, dùng bôi, đắp.
* Theo Medicinal plants in China - WHO - 1989 dùng điều trị:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu - sinh dục
- Huyết niệu (đái máu)
- Vô kinh
- Eczêma.
Liều dùng 5 - 10 g.
Kêng kỵ: Tỳ, thận khí hư; phụ nữ có thai kiêng dùng.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét