Tên khác: Hương Cẩn Thái.
Tên khoa học: Viola odorata L. Họ Hoa tím (Violaceae).
Nguồn gốc:
Cây có nguồn gốc châu Âu, châu Mỹ và châu Á nhiệt đới, được trồng nhiều ở châu Âu. Cây cũng được trồng ở Đông Nam Á, như Indonesia. Cây họa tím được trồng làm cây cảnh và cây bảo vệ đất, chống nước mưa xới mòn đất. Ở Việt Nam cũng trồng cây Hoa tím này. Là cây hoa được ưa chuộng, với hoa nhỏ, màu sắc nhã nhặn, mùi thơm kím đáo. Cây có lá giống lá rau má, hoa màu tím, tràng 5 cánh, bầu 1 ô và quả nang có 3 van. Ong rất thích hút mật ngọt của hoa này.
Bộ phận dùng: Hoa, lá, rễ.
Thành phần hoá học (chủ yếu):
Chất nhầy; một ít violin (alcaloid đắng, gây nôn); chất màu lam cyanin, rutin 2% (khi thủy phân cho quercetin, rhamnose, dextrose), acid salicylc; protein; gôm; chất đường, chất nhớt, tinh dầu 0,003%. Tinh đầu khi còn đặc, ít có mùi thơm của hoa tím, nhưng khi pha loãng 1:5.000 - 10.000 sẽ có mùi thơm hoa tím rõ rệt.
Tác dụng: Thuốc làm dịu, làm mềm (emollient)
Công dụng:
-Trị ho (hoa có chất nhầy làm dịu cơn ho), viêm phế quản, ho gà, đường hô hấp bị kích thích, sổ mũi, nhức đầu, đau nửa đầu.
Cách dùng, liều lượng:
- Ngày dùng 5 - 10g hoa khô, dạng thuốc hãm hay thuốc sắc. Cách bào chế: Ngâm 5 - 10g hoa khô trong 1 lít nước vài phút rổi đun sôi hoặc hãm với nước sôi trong 10 phút. Mỗi ngày uống 3 - 4 chén giữa các bữa ăn.
- Có thể bào chế thành sirô hoặc thuốc mật ong Hoa tím: lấy 150 g - 200g cánh hoa tươi, cho vào bình thủy tinh hoặc bình sứ tráng men, (tránh dùng đồ sắt, hoặc có chất kiềm vì làm biến màu hoa); thêm 1 lít nước sôi, đậy nắp, ngâm lâu 10 - 12 giờ, gạn, lọc và ép qua vải phin, sau đó gạn lọc qua giấy lọc thu được nước thuốc. Thêm đường hoặc mật ong vào nước thuốc gấp 2 lần trọng lượng. Đun cô đặc trên bếp cách thuỷ thành sirô (chú ý thỉnh thoảng hớt bọt đi, nhất là bọt mật). Cho vào chai, lọ sạch, nút kín, tránh ánh sáng để bảo quản thuốc được lâu. Mỗi ngày uống 3 - 4 thìa cà phê sirô vào giữa các bữa ăn. Sirô này không những có tác dụng long đờm và làm dịu cơn ho mà còn nhuận tràng nhẹ, trị táo bón, thích hợp đặc biệt cho trẻ em.
- Nước sắc hoa tím cũng chữa được nhức đầu. Có thể vừa uống thuốc sắc vừa dùng ngoài; tẩm nước sắc vào gạc; đắp lên trán. Đây là những chỉ định từ thời cổ xưa và trường Y học Salerme (Italia) thời trước; họ đã dùng Hoa tím để chữa say rượu, trị bệnh đau nửa đầu, nặng đầu, sổ mũi.
- Lá cây Hoa tím tượi giã nhỏ, đắp lên chỗ đau có thể trị khối u lành và vết nứt ở vú.
- Trị bệnh thống phong (gút): lấy 1 nắm lá thêm 1/2 lít giấm: đun sôi 5 phút. Sau tẩm gạc; đắp vào chỗ đau một lúc, để dịu cơn đau thống phong.
Thuốc gây nôn: Rễ cây Hoa Tím 10g; thêm 300g nước, đun sôi còn 100g; dùng làm thuốc gây nôn (theo Dr. Palaiseul).
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: VIOLET - Hoa Pensée tím hay HOA TÍM
Nhận xét
Đăng nhận xét