Tên khác: Mùa cua, Mò cua, Tượng bì mộc
Tên khoa học: Alstonia scholaris (L.) R. Br. Họ Trúc đào (Apocynaceae).
Nguồn gốc:
Chi cây này được phân bố từ vùng nhiệt đới Tây Phi tới quần đảo Marquesas (quần đảo thuộc Polynesia), ở vùng cực đông (nam) Thái Bình Dương và từ vùng Himalaya, ở phía
Bắc tới vùng New South - Wales ở phương Nam. Trong số 40 loài thuộc chi Alstonia R.Br; cây Sữa được phân bố ở Srilanka, Ấn Độ, Malaysia, lục địa Đông Nam Á, và miền nam Trung Quốc. Ở Indonesia, cây Sữa mọc ở rừng tạp giao và rừng gỗ Tếch hoặc một số làm cây tại làng xã; ở độ cao 1 - 1050 m. Ở Việt Nam, cây Sữa mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Ở thành phố, làm cây bóng mát. các đường phố ở Hà Nội vào mùa thu thơm nồng mùi Hoa Sữa. Cây còn được trồng làm thuốc và lấy gỗ.
Mô tả:
Cây gỗ, cao khoảng từ 15 - 20 m; cành mọc vòng, xếp theo tầng. Lá đơn, mọc vòng, mỗi vòng 3 - 8 lá; hình mác, mặt dưới mỡ; phiến cứng; gân lá lông chim, gân phụ xếp song song. Hoa nhỏ màu trắng xanh, mọc thành xim ở kẽ lá, mùi thơm hắc đặc trưng. Quả gồm 2 đại dài 15 - 50 cm màu nâu mọc thõng xuống. Hạt dẹt, mang 3 chùm lông màu hung ở 2 đầu. Hoa nở từ tháng 8 đến tháng 12. Toàn cây có nhựa mủ trắng.
Bộ phận dùng:
Vỏ cây, phơi khô. Thu hái tốt nhất vào mùa xuân-hạ. Chế biến dưới dạng bột vỏ phơi khô, tán nhỏ hoặc dạng rượu thuốc, dạng cao lỏng.
Thành phần hoá học:
Vỏ chứa alcaloid: echitamidin, echitamin, picrinin, echitenin, rhazicchieerin, echitein, difamin echitin, alstonin. Ngoài ra, vỏ còn có a-amyrin, a-amyrin acetat, lupeol acetat, stigmasterol, b-sitosterol, campesterol. Lá có picralinal.
Tác dụng:
- Khử đàm, trị ho
- Bình suyễn
- Tác dụng hạ sốt (thoái nhiệt)
Theo Đông y:
* Theo Trung Dược Đại từ điển (số 4602), 1995:
- Tính vị, quy kinh: Khổ, hàn; vào các kinh can, tỳ
- Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng.
- Điều trị: Cảm mạo, viêm phổi; ho gà; đau bụng, ỉa chảy; có thai nôn mửa; bị đánh bị ngã tổn thương, xuất huyết vết loét.
- Cách dùng:
+ Uống: dạng thuốc sắc.
+ Dùng ngoài: Giã bột, đắp vào chỗ đau.
* Theo Dược liệu Việt Nam - Bộ Y tế, 1978:
Tính vị, Tác dụng: Vị đắng, tính mát; kích thích tiêu hoá; điều kinh; hạ sốt.
Công dụng, cách dùng, liều lượng (vỏ cây Sữa):
- Thường dùng làm thuốc bổ; chữa sốt, điều kinh, chữa lỵ hoặc ỉa chảy. Ngày dùng: 1 - 3g vỏ phơi khô, sắc để uống.
- Bột (võ Sữa): phơi hoặc sấy khô, tán nhỏ; ngày uống 0,2 – 0,3g.
- Rượu thuốc (vỏ cây Sữa): vỏ Sữa tán nhỏ 75g; rượu trắng 35 - 40 độ 500ml. Ngâm 7 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Sau đó, lọc và thêm rượu vào cho đủ 500ml. Ngày uống 4 - 8g, uống trước bữa ăn chính 15 phút.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Cây Sữa
Xem thêm: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - SỮA
Nhận xét
Đăng nhận xét