Tên khác: Cỏ dùi trống, Cỏ cúc áo, Cỏ đuôi công
Tên khoa học: Eriocaulon sexangulare L. Họ Cỏ dùi trống (Eriocaulonaceae) [E. Walliehianum, Mazt].
Mô tả:
- Cỏ dùi trống (còn có tên: Hoa nam cốc tinh thảo). Cỏ nhỏ, sống hàng năm; rễ chùm, thân ngắn; lá dài dẹt, nhẵn, nhiều gân dọc, dài 6,5 - 15 cm, rộng 0,2 - 1cm. Cụm hoa hình đầu, màu trắng mốc, mọc trên cán dài 10 - 20cm, gồm nhiều hoa đực và hoa cái. Quả nang chứa 1 hạt. Mùa hoa và quả: tháng 5 - 7. Cỏ mọc hoang ở nơi ẩm thấp, ruộng nước, bãi lầy.
Bộ phận dùng:
Hoa và cuống cụm hoa dài 0,1cm, phơi hoặc sấy khô (50 - 60°C). Bảo quản nơi khô ráo.
Dược liệu: cụm hoa có đường kính khoảng 0,65cm màu trắng xám, cấu tạo bởi nhiều hoa nhỏ úp lên nhau như lớp vẩy; nhiều lá bắc xếp dày đặc thành nhiều lớp ở đế hoa, màu xanh vàng nhạt, bóng láng, ở mép trên có lông tơ dày đặc. Co xát vào cụm hoa sẽ thấy nhiều bao phấn, màu đen nhỏ: có thể thấy quả chưa chín màu xanh lục vàng, bóng láng. Chất mềm khô, dễ bẻ gẫy; không mùi, vị nhạt, nhấm lâu dính lại với nhau.
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Tân, cam, bình: vào các kinh can, phế.
Công năng: Sơ tán phong nhiệt, minh mục.
Chủ trị: phong nhiệt mắt đỏ, sợ chói mắt, đau mắt có màng phong nhiệt đầu thống.
Cách dùng:
- Chữa đau mắt do phong nhiệt, nhức đầu, đau răng, đau cổ họng; thông tiểu tiện, trị ghẻ lở. Ngày dùng 4,5 - 9g dạng thuốc sắc hay bột.
- Bài thuốc chữa viêm giác mạc: Cốc tinh thảo 16g; Phòng phong 16g: tán nhỏ, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 - 2g.
- Chữa thiên đầu thống: Cốc tinh thảo 8g; giun đất 1g; Nhũ hương 4g; các vị thuốc tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g đốt, xông khói vào lỗ mũi.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét