Tên khác: Kim cúc, Dã cúc, Hoàng cúc, Khổ ý, Bioóc kim (Tày); Sơn hoàng cúc.
Tên khoa học: Dendranthema indicum L. Des Moul. [Chrysanthemum Indicum L.]. Họ Cúc (Asteraceae).
Nguồn gốc:
Kim cúc nguồn gốc Trung Quốc, Nhật Bản, được trồng ở Việt Nam từ lâu đời. Ở Indonesia (Đông Nam Á) cũng trồng cây này, ở độ cao 1 - 1800m; Kim cúc là cây thuốc Nam được trồng nhiều và lâu đời ở làng Nghĩa Trai (Hưng Yên), nổi tiếng về trồng cây thuốc Nam.
Mô tả:
Cây thảo sống một hay nhiều năm, cao 30 - 50 cm, thân mọc thắng đứng, nhẵn; có khía rãnh. Lá mọc so le, có thuỳ sâu, mép khía răng, mặt trên màu lục thẫm, mặt dưới lục nhạt, cuống lá ngắn. Cụm hoa hình đầu màu vàng, mọc thành ngù ở kẽ lá hoặc đầu cành. Hoa ở phía ngoài, hình lưỡi nhỏ; hoa (ở phía trong) ở giữa, hình ống, tràng hoa hình ống ngắn hơn tràng hoa hình lưỡi và có thuỳ tam giác nhọn.
Mùa hoa: tháng 11 - 12 và tháng 1 năm sau.
Cây ưa sáng; đất pha cát, ẩm, mát; nhiều màu. Thời vụ trồng: tháng 3 - 6, thu hái khi hoa sắp nở; đợi lúc tan sương, hái về và theo tục lệ, xông diêm sinh 3 - 4 giờ; sau đó ép cho kiệt nước; phơi nắng nhẹ hoặc sấy khô (40 - 50°C).
Bộ phận dùng:
Hoa: Hoa Kim cúc không nên phơi nắng nhiều sẽ mất hương vị, nát cánh hoa và biến màu. Bảo quản ở nơi khô mát.
Thành phần hoá học:
Toàn cây có tinh dầu, linarin, luteolin, chrysanthemin, chrysanthemaxanthin, yejuhoalacton. Trong tinh dầu có: camphen, dl-camphor, carvon, chrysanthenon 43,24%, limonen 10,70%, -caryophyllen oxyd 12,36%; và -pinen 8,50% (Pascual TJ. 1980). Ngoài ra, hoa Kim Cúc còn có: hydrocarbon, n-hexacosan, n-tetracosan, kikuketon A, B...
Acid amin (adenin, stachydrin), vitamin đặc biệt là A. Hạt chứa 15,8% dầu béo.
Tác dụng:
- Tác dụng đối với hệ thống tim mạch như hạ huyết áp.
- Ảnh hưởng tới công năng tụ tập của huyết tiêu bản.
- Kháng virus (bệnh nguyễn vị sinh vật).
- Tác dụng giải nhiệt.
- Tăng cường công năng đại thực bào
- Ức chế vi khuẩn chống viêm
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Khổ, tân, vi hàn; vào các kinh can, tâm.
Công năng: Thanh nhiệt giải độc, tán phong, mình mục.
Chủ trị: các chứng hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, huyết áp cao; đinh độc, mụn nhọt.
Liều lượng và cách dùng: Ngày dùng 8 - 12g, dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ: Tỳ, vị hư hàn, ỉa chảy không nên dùng.
Bài thuốc:
1. Tang Cúc ẩm gia giảm (Chữa cảm mạo, nồng sốt, ho, khát nước): Lá Dâu 12g, Cúc hoa 8g, Hạnh nhân 8g, Liên kiều 6g, Cát cánh 8g, Bạc hà 4g, Cam thảo 4g, Đạm trúc diệp 4g; sắc, uống trong ngày.
2. Kỷ cúc địa hoàng hoàn (chữa hoa mắt, chóng mặt, mắt khô tròng): Kỷ tử 20g, Cúc hoa 12g, Thục địa 32g, Đan bì 12g, Phục linh 12g, Sơn thù 16g, Trạch tả 12g, Hoài sơn 16g. Sấy khô, tán nhỏ, luyện mật, viên hoàn bằng hạt ngô. Ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 16 - 20 viên. Hoặc có thể sắc uống mỗi vị thuốc số lượng giảm bớt 1/6.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CÂY HOA CÂY THUỐC - CÚC HOA VÀNG
Nhận xét
Đăng nhận xét