Tên khác: Cây Vạn thọ.
Tên khoa học:
Tagetes erecta L.: Cúc Vạn thọ (cây cao).
Tagetes patula L.: Cúc Vạn thọ (lùn) (cây xoè, vươn ra = Đằng Cúc).
Họ Cúc (Asteraceae).
Nguồn gốc:
Cúc Vạn thọ cây làm cảnh; cây sống 1 năm, trồng phổ biến ở Việt Nam. Cây có nhiều cành; lá xẻ lông chim. Hoa màu vàng hoặc vàng thẫm; cụm hoa hình đầu, quả bế dài nhỏ.
Các loài Cúc Vạn thọ được trồng quanh năm; nhưng chính vụ là đông xuân. Cây dễ trồng, không kén đất, nhưng không chịu được thấp, trũng; cớm bóng; trồng bằng gieo hạt hay giâm ngọn. Cây gieo hạt, từ khi trồng đến khi ra hoa là 70 - 75 ngày; cây giâm ngọn, cần 30 - 35 ngày. Có nhiều giống Cúc Vạn thọ; ở đây chỉ nêu 2 loài Cúc Vạn thọ vừa là cây cảnh vừa là cây làm thuốc.
1. CÚC VAN THỌ CAO (Tagetes erecta):
Cây thảo, sống hàng năm, thân mọc thẳng đứng, cao khoảng 60cm, hoa to màu vàng.
Bộ phận dùng: Họa, lá
Tác dụng: Kháng khuẩn, trấn tĩnh
Theo Đông y:
Tính vị: Khổ, vi tân; tính lương.
Công dụng: Bình can, thanh nhiệt, khu phong, hoá đàm.
Chủ trị: Đầu nhức; mắt hoa; phong hoả, nhãn thống (mắt đau); trẻ em kinh phong; cảm mạo; ho gà; sưng vú (nhũ ung), quai bị.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 4 - 12g, uống dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: sắc nước thuốc, rửa chỗ đau.
3. CÚC VAN THỌ THẤP LÙN, còn tên là Đằng cúc, Khổng tước thảo (Tagetes patuma):
Cây thảo sống một năm, cao khoảng 30 - 40 cm, nhỏ, thấp hơn loài Cúc Vạn thọ cao nói ở trên; thân cành mọc hơi xoè và vươn ra, hoa nhỏ, màu vàng thẫm.
Bộ phận dùng: Hoa, lá
Thành phần hoá học: Flavonoid, patuletin, quercetagitin; dẫn xuất thiophen. Hoa chứa: helenin, belenien, rubichrom; violaxanthin.
Theo Đông y:
Tính vị: Khổ, bình.
Công dụng: Thanh nhiệt, lợi thấp, chỉ khái (ngừng ho).
Chủ trị: Ho (khai thấu); bệnh lỵ (lỵ tật).
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 12 - 20g, uống dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
(Trung Dược Đại Từ điển (1993), số 0307 và 1046).
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét