Tên khác: Mẫu cúc; Xuân bạch cúc, Ca mô mi.
Tên khoa học: Matricaria chamomilla L. Họ Cúc (Asteraceae).
Nguồn gốc:
Ở Trung Âu (nhất là Hungari, Đức), sau lan ra Tây Á và được nhập nội vào Bắc Mỹ, Ôxtrâylia.
Mô tả:
Cây thảo, sống hàng năm, cao 20 - 50 cm, thẳng đứng, nhẵn, phân cành nhiều, cây ưa đất vôi. Lá kép 2 lần hình lông chim, phân chia ra rất nhỏ. Cụm hoa ở ngọn là những đầu, trên các cuống mảnh; đầu có đường kính 1 - 1,5 cm. Hoa hình lưỡi nhỏ màu trắng, xếp thành 1 vòng chu vi ngoài cùng; nhiều hoa hình ống màu vàng xếp ở giữa, trên 1 đế hoa hơi lõm: mùi hoa thơm. Mùa hoa: tháng 5 - 10.
Bộ phận dùng:
Hoa, cây hoa và tinh dầu. Cây được di thực, trồng ở Việt Nam trên 20 năm nay, ở một số tỉnh phía Bắc và ở Đà Lạt, phía Nam; Cam Cúc mọc tốt nhưng chưa phát triển do ít có nhu cầu.
Trồng bằng hạt, gieo vụ xuân; thu hoạch lúc cây ra hoa, phơi âm can hoặc sấy nhẹ độ, để giữ đầu hoa, đẹp, thơm.
Thành phần hoá học:
Ở Hoa, tinh dầu chiếm 0,25 - 1,5%, được chưng cất bằng hơi nước; có màu xanh lam thẫm, ngay từ khi mới chưng cất ra; có chứa một hàm lượng quan trọng sesquiterpen là chamazulen và 1 sesquiterpen alcohol là a-bisabolol. Màu lam thẫm của tinh dầu là do chất chamazulen tạo thành. Tinh dầu còn chứa: proazulen; farnesen; [2(Hexa 2,4-diyn-1-yliden)-1,6-dioxa spiro(4,4)-no-3-en]; (Bisabolon-oxid-A); [2(Butyl - 2-yliden)-∆³-dihydrofuran (5-spiro-2)-tetrahydrofuran];guaiazulen; guaianolid; matricin, matricarin, rutin, hyperosid; ngoài ra hoa còn chứa: cholin 0,32%; (Apigenin-7-glycosid) patulitrin; (Luteolin-7-glycosid); quercimeritrin; chất nhầy (mucilage) do các đường galactose; xylose, arabinose, glycose, rhamnose và acid galacturonic tạo nên.
Công dụng:
Chống co thắt, giảm đau, kích thích ra mồ hôi, hạ sốt thông mật, sát trùng, diệt khuẩn, trị giun (giun đũa, giun kim), điều kinh, dịu thần kinh, bổ thần kinh, êm dịu (đối với trẻ em), thuốc có thể làm tăng dần bạch cầu gấp 3 lần, chống viêm, làm lên đa non.
Cách dùng, liều lượng:
Dùng trong:
1. Thuốc hãm: 1 thìa xúp hoa Cam cúc, cho vào 1 chén nước sôi, hãm lâu 10 phút (theo Leclerc thì hãm 1 giờ); lọc, ép rỗi uống 1 chén, cách xa các bữa ăn (vì thuốc rất đắng).
2. Dùng bột hoa Cam cúc, Ngày uống 2 - 5g.
Cách điểu chế: tán 4 g bột hoa Cam cúc với đường trắng vừa đủ; cho bột vào viên nhện làm thành 6 viên; dùng (theo Leclerc) trong 24 giờ, cách xa các bữa ăn.
3. Dạng thuốc đạn (suppositoire) hoặc làm thuốc thụt (lavement).
Dùng ngoài: Như Cúc La Mã
Theo Đông y: Dương Cam cúc
Tính vị: Cam, bình, không độc
Công dụng, chủ trị: Khu phong, giải biểu; cảm mạo, phong thấp, đông thống (= đau đớn)
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 8 - 12g sắc thang để uống.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét