Tên khác: Dịu, Hoa châu địu, Hoa guất hồng.
Tên khoa học: Citrus grandis (L.) Osbeck [Citrus maxima (Burn.) Merr.]. Họ Cam (Rutaceae).
Nguồn gốc:
Theo một số tài liệu Bưởi có nguồn gốc từ Malaysia, song có một tài liệu khác lại cho rằng Bưởi có nguồn gốc Đông Ấn (tài liệu cổ nêu vùng này bao gồm Ấn Độ, bán đảo Malaysia, bán đảo Đông Dương, Indonesia). Cuối thế kỷ 17, thuyển trưởng Shaddock mang giống Bưởi từ Đông Ấn sang châu Mỹ, trồng ở
West Indies (Tây Ấn: gồm những quần đảo Angti lớn, nhỏ và Bahama), ở giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ (đến nay từ Shaddock có nghĩa là Bưởi hình quả lê).
Cây Bưởi hiện nay được gây trồng ở các nước Đông Dương; Nam Trung Quốc, Nam Nhật Bản; Tây Ấn; một số nước vùng Địa Trung Hải và vùng nhiệt đới châu Mỹ. Gần đây, một số nước Đông Nam Á trồng nhiều Bưởi và xuất khẩu như: Thái Lan, Philippin; xuất khẩu sang Hồng Kông, Singapor, Malaysia.
Việt Nam cũng đang trồng nhiều Bưởi để dùng ở trong nước và xuất khẩu, diện tích trồng được tăng nhanh. Các giống được chú ý như: Bưởi Đoan Hùng (Vĩnh Phú, Yên Bái, Tuyên Quang), Bưởi Phúc Trạch (Nghệ An - Hà Tĩnh), Bưởi Biên Hoà (Đồng Nai) v.v...Cây Bưởi vừa là cây ăn quả vừa là cây thuốc Nam.
Mô tả:
Cây nhỡ, sống lâu năm, cao 6 - 7 m có cánh to, mặt dưới lá nổi gân to, rõ, Hoa to, màu trắng, thơm, mọc thành chùm. Hoa có 4 - 5 lá đài, 4 - 5 cánh hoa, nhiều nhị, 5 - 10 tâm bì dính liền thành bầu, nhiều ô; mỗi ô có nhiều noãn. Quả hình cầu, đường kính 15 - 25 cm; vỏ quả dày, xốp; ruột quả có những múi to, trong có nhiều tép. Có thứ Bưởi cùi và múi, tép đều trắng. Có thứ Bưởi cùi và múi, tép đều có màu hơi đỏ hồng (Bưởi đào), Thứ Bưởi đường có quả hình giống quả lê, vị ngọt. Ở Việt Nam, cây Bưởi được trồng nhiều ở trong vườn, trang trại và mọc hoang ở vùng rừng núi. Dược liệu: Bưởi được ghi trong Nam Dược Thần Hiệu, Tuệ Tĩnh.
Bộ phận dùng:
Hoa, lá, vỏ quả dùng làm thuốc. Hái quả già, gọt lấy vỏ, phơi trong râm cho se, rồi gác bếp cho khô để giữ cho khỏi thối (ở nông thôn). Khi dùng, rửa sạch, gọt lấy vỏ the ở ngoài. Lá được hái quanh năm, trừ khi đang ra hoa, thường dùng lá tươi.
Thành phần hoá học:
Vỏ Bưởi có tinh dầu chứa chủ yếu là: citral, geraniol, linalool, methylanthranilat limonen, a-pinen, caryonhyllen oxyd, linalool monoxyd cis-3-hexenol, dipenten. Vỏ quả còn có flavonoid: naringin neohesperidin, poncirin, tangeretin, nobiletin; lycopen v.v...Vỏ trong chứa pectin. Dịch quả chứa acid citric, chất đường, vitamin C. Trong 100 g phần quả ăn được chứa khoảng 89 g nước; 0,5 g chất đạm; 0,4 g chất béo; 9,3 g chất đường, bột, provitamin A (bằng 49 I.U. vitamin A); 0,07 mg vitamin B;, 0,02 mg vitamin B2; 0,4 mg niacin; 44 mg vitamin C.
Tác dụng:
- Tác dụng trên hệ thống hô hấp.
- Tác dụng trấn tĩnh
- Tác dụng kháng, khuẩn
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Tân, khổ, ôn; vào các kinh phế, tỳ.
Công năng: Tân hàn, táo thấp, lợi khí, tiêu đờm.
Chủ trị: Phong hàn khái thấu (ho do phong hàn), hầu dương đàm đa (ngứa họng, đờm nhiều), thực tích, thương tửu ẩu ố, bĩ muộn (thực tích) và uống rượu quá độ, quá nhiều, (buồn nỗn, nôn mửa) thượng vị đầy trướng do ăn đầy bụng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 3- 6 g, đạng thuốc sắc
Chủ thích:
- Hoa và vỏ quả: vị the, mùi thơm, tính bình, trừ phong; hoá đờm, tiêu báng (lách to); tán khí thũng (phù thũng thuộc khí).
- Nước hoa Bưởi: gia vị làm thơm, giải khát.
- Lá Bưởi: chữa cảm sốt, ho, nhức đầu, kém ăn, đau, sưng chân do hàn thấp.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Bưởi
Xem thêm: CÂY QUẢ CÂY THUỐC - BƯỞI
Xem thêm: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - BƯỞI
Nhận xét
Đăng nhận xét