Tên khác: Hồng trích trục (hoa).
Tên khoa học: Rhododendron simsil Planchon. Họ Đỗ quyên (Ericaceae).
Nguồn gốc:
Cây mọc hoang dại ở vùng núi cao Hoàng Liên Sơn, Tam Đảo (Vĩnh Yên)... và được trồng làm cảnh, vì có hoa đỏ đẹp, nở vào địp Tết Nguyên đán. Có tài liệu nêu hoa Đỗ quyên có thể được dùng làm thuốc (Trung Dược Đại Từ điển, 1995, số 2097). Cây có tên tiếng Anh là Azalea, tên này có ý nói là loài cây này mọc trên đất khô. (Từ Azalea xuất xứ từ từ Azaleos = nghĩa là khô).
Mô tả:
Cây bụi nhỡ, cao có thể tới 3 m; rụng lá theo mùa; phân cành nhiều và nhỏ; cành màu vàng hoặc nâu, có lông. Lá đơn, mọc so le, tụ ở đầu cành, lá hình trứng hoặc bầu dục; dài 2 - 6 cm, rộng 1 - 3 cm, mặt trên lá có lông cứng; mặt dưới nhiều lông nhỏ. Hoa có 5 - 6 đoá thường mọc ở đầu cành; đài hoa có 5 phiến, hình bầu dục, dài 2 - 4 mm, nhiều lông cứng màu nâu; tràng hoa màu hồng đỏ đến hồng nhạt; đường kính 4 - 5 cm, cánh hoa gần hình trứng ngược; nhị 7 - 10; bao phấn màu tía; bầu hình trứng, nhiều lông cứng. Mùa hoa: tháng 4. Mùa quả: tháng 10.
Cây mọc hoang ở sườn núi, hoặc đất bằng, trong rừng.
Bộ phận dùng:
Hoa, rễ, quả, lá đều dùng làm thuốc. Thu hái vào tháng 4 - 5 lúc phát triển nhiều; phơi khô.
Thành phần hoá học:
Cyanidin-3-glycosid; (Cyanidin 3,5 diglycosid) malvidin 3,5 diglycosid; azaleatin-3-rhamnosyl glycosid; myrecetin-5-methyl ether.
Tác dụng: Ngừng ho; trừ đờm
Theo Đông y:
Tính vị: Toan, cam, ôn
Công dụng: Hoà huyết, điều kinh, khu phong thấp;
Dùng điều trị: Kinh nguyệt không đều, kinh bế, băng lậu, bị đánh bị ngã tổn thương, đau phong thấp, thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam).
Cách dùng, lượng dùng:
Uống: Dùng hoa Đỗ quyên 20 - 40g sắc nước thuốc để uống:
Dùng quả: Tán bột, dùng 1,2 - 2 g.
(Trung Dược Đại Từ điển, 1985, số 2097).
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CÂY ĐỖ QUYÊN CHỮA NẤM TÓC
Nhận xét
Đăng nhận xét