Tên khác: Hoa Hồng Pháp
Tên khoa học: Rosa gallica L.; Họ hoa Hồng (Rosaceae).
Nguồn gốc:
Cây có nguồn gốc Phương Đông và Nam Âu; (Rosier de provins ở Pháp, Vùng Paris và Anjou có trồng). Hoa Hồng đỏ là một trong số ít loại hoa Hồng (trên tổng số 10.000 chủng hoa Hồng) được dùng làm thuốc.
Hoa Hồng được tôn vinh là Hoa hậu của các loài hoa. lịch sử của hoa Hồng gắn liền với lịch sử của loài người. Có lẽ đây là cây hoa đầu tiên được con người đem trồng. Hoa Hồng còn liên quan đến đa số các tôn giáo; đến các tập tục, nghi lễ thờ cúng linh thiêng từ Ấn Độ đến các nước theo đạo Cơ đốc. Trải qua các thời kỳ cổ Hy Lạp, La Mã v.v...có người chiến binh ở Tây Âu khi ra trận không đội mũ sắt mà chỉ đội trên đầu một vòng hoa Hồng đỏ để tỏ rõ lòng can đảm của mình. Hoa Hồng cũng đã chứng kiến những cuộc chiến tranh lịch sử như ở nước Anh, cuộc nội chiến “Nhị Hồng” (Guerre de Deux Roses 1455 - 1485); một phái chỉ mang biểu tượng hoa Hồng bạch, một phái mang biểu tượng hoa Hồng đỏ. Phái Hồng bạch đã thắng, kết thúc thời kỳ nội chiến xâu xé nhau ở nước Anh thế kỷ 15... hoa Hồng cũng liên quan đến nghệ thuật (sành) ẩm thực. Vào thời kỳ Để quốc La Mã suy đồi, người ta đã ăn bánh ga tô hoa Hồng, mứt hoa Hồng, các món ăn có gia vị chế biến từ hoa Hồng, uống vang hoa Hồng v.v...
Mô tả:
Cây hoa Hồng đỏ là cây bụi thấp; thân cây có loại gai thẳng loại gai cong và có lông tiết. Hoa có 5 cánh hoa chính và những cánh phụ; hoa mọc 1 - 2 đoá, cuống và đế hoa có nhiều lông tiết. Hoa rất đẹp, màu đỏ mượt mà như nhung; rất thơm, quả hình cầu tròn.
Bộ phận dùng:
Những cánh hoa, thu hái hoa vào tháng 6; 8 phần cánh hoa tươi cho 1 phần hoa khô (phơi trong râm). Cánh hoa khô có mùi dược liệu dễ chịu.
Thành phần hoá học:
Có chất màu, acid gallic, quercitrin, chất đường, tanin (tương đối nhiều).
Độ tro 3,5%. Hoa khô không còn tinh dầu như hoa tươi.
Tác dụng:
Chất tanin làm se. Các thây thuốc ả rập là người đầu tiên làm thuốc từ hoa Hồng, để chữa các bệnh phổi, kể cả bệnh lao. Dược liệu cánh hoa Hồng đỏ đã được đưa vào các Dược Điển (Codex) trước đây và ngày nay. Hoa Hồng Pháp di thực trồng ở Sapa (Lào Cai), Đà Lạt Việt Nam có giá trị cao.
Công dụng:
Làm thuốc rà miệng (collutoire) và thuốc súc họng (gargarismes).
Cách dùng, liều lượng:
1. Dùng cánh hoa Hồng đỏ tươi (1 phần), giã nhỏ, thêm 3 phần (trọng lượng) đường rồi thêm nước hãm hoa Hồng vừa đủ, làm thành bột nhão (trông như mật). Liều dùng 50g- 100g một ngày; có tính chất kháng khuẩn.
2. Mật ong hoa Hồng (Miel rosat): Trị viêm họng, đau họng, viêm niêm mạc miệng: Đun 20g cánh hoa Hồng (chú ý: không lẫn cánh to này với các móng cánh hoa) (onglet) với 100g mật ong; đun sôi 10 phút; lọc, vắt qua vải phin. Uống từng thìa cà phê.
3. Nước thuốc rửa mắt và gạc tấm thuốc để chữa đau mắt; chữa viêm màng kết mạc: Lấy 40 - 50 g cánh hoa Hồng khô, thêm 1 tít nước sôi; hãm 10 - 15 phút rồi dùng làm thuốc rửa mắt.
4. Có thể dùng nước sắc lá cây hoa Hồng đỏ để chữa ỉa chảy, lỵ: Lấy 30 - 40g lá thêm 1 lít nước; đun sôi lâu 2 - 3 phút; hãm thêm 10 phút. Uống 2 -3 chén thuốc nước này trong 1 ngày.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét