Tên khác: Nguyệt quý hoa, Nguyệt nguyệt hồng, Tiểu nguyệt quý, Bản nguyệt quý, Nguyệt quang hoa, Lặc bào, Nguyệt nguyệt khai.
Tên khoa học: Flos Rosae chinensis (Rosa chinensis Jacq). Họ Hoa Hồng (Rosaceae).
Mô tả:
Cây nhỏ, lâu năm, loại cây bụi thường xanh, cao tới 2m; mọc ở các đình viền, để thưởng lãm, Cành có gai, lá mọc cách, kép hình lông chim lẻ, lá chét 3 - 5 phiến, hình trứng rộng hay trứng thuôn hay bầu dục, mặt trên màu lục thẫm, trơn bóng, mép có răng cưa nhọn. Hoa thơm, mấy đoá mọc thành cụm, mâu đỏ hoặc màu hồng, đế hoa hình chéo, cánh hoa xếp theo dạng kép lợp ngói. Cây nở hoa hàng tháng. Quả hình trứng hoặc xoáy ốc, là quả bế, tụ nhau trong đế hoa, dày lên thành quả.
Người ta thu hái khi hoa bán khai, đem phơi âm can hoặc sấy lửa nhỏ. Rễ và lá cũng có thể thu hái, dùng tươi được. Cây được trồng lấy hoa để trang trí, hoặc làm thuốc hoặc để lấy tinh dầu thơm.
Bộ phận dùng: Hoa
Thành phần hoá học:
Hoa chứa tinh dầu thơm, trong đó có các thành phần loại terpen alcohol, chủ yếu là geraniol nerol, citronellol cùng với một số glycosid. Ngoài ra, còn có acid gallic, quercitrin, tanin và chất màu…
Tác dụng:
Tác dụng kháng khuẩn: kháng khoảng 17 chủng trực khuẩn
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Cam, ôn; vào kinh can.
Công năng: Hoạt huyết điều kinh.
Điều trị: Kinh nguyệt không đều, đau kinh (thống kinh).
Liêu dùng: 1,5 - 4,5 g
Bài thuốc (nghiệm phương chọn lọc):
1. Trị Kinh nguyệt không đều:
Nguyệt quý hoa tươi 20g; hầm với nước sôi, chia ra để uống hàng ngày hoặc cách nhật 1 tháng. Dùng liên tiếp 3 - 5 lần như vậy.
2. Trị Phế hư, ho khạc ra máu:
Nguyệt quý hoa tươi 15g, băng đường (đường phèn) 20g; hấp cách thuỷ để dùng hoặc dùng Nguyệt quí hoa 5g, hãm với nước sôi để uống (sung bào).
3. Trị Bị đánh, bị ngã tổn thương, gân xương đau nhức:
Nguyệt quý hoa 30g, sấy khô (hồng can) tán mịn. Mỗi lần dùng 3g với mễ tửu (giấm) nóng, số lượng thích hợp, hãm để uống (sung phục) (nhằm làm hoạt huyết). Nếu mới bị thương tổn, dùng lá Nguyệt quý giã nát đổ vào chỗ đau (với muối giấm), làm cho thông, để đỡ bị đau do tắc.
4. Trị Hạch (tràng nhạc):
Rễ nguyệt quý hoa tươi 20g, cá Giếc (1 -2 con). Hấp cách thuỷ để dùng hoặc dùng Nguyệt quí hoa 5 g hãm với nước sôi (sung bào) để uống.
5. Trị hành kinh đau bụng:
Rễ nguyệt quý hoa tươi 30g, Ích mẫu thảo 15g, Kê quan hoa 30g, Chế hương phụ 10g, thêm trứng gà, hấp cách thuỷ (lòng đỏ trứng, bổ huyết), ăn trứng gà và uống thang nước thuốc.
6. Trị Kinh nguyệt kỳ cuối số lượng ít, kinh ra khó khăn:
Nguyệt quí hoa 9g, Hương phụ sao giấm 9g, Ngưu tất 10g, Đan sâm 30g, Sắc nước, chia 3 lần uống, mỗi ngày 1 thang.
7. Trị Cao huyết áp:
Nguyệt quý hoa 13 bông, Hoa hoè 10g; (Khai thuỷ bào phục) hãm với nước sôi để uống.
Chú thích: Nguyệt quý hoa là loại hoa Hồng được ghi trong Nam Dược Thần Hiệu (Tuệ Tĩnh).
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét