Tên khác: Cây hoa Lài; Nhài đơn; Nhài kép; Mạt lị hoa
Tên khoa học: Jasminum sambac (L) Ait. Họ Nhài (Oleaceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc châu Á lục địa vùng nhiệt đới và Á nhiệt đới, kể cả các đảo như Srilanka, Indonesia và các nước như Việt Nam, Trung Quốc... Indonesia trồng Nhài để lấy hoa làm chất hương vị cho thực phẩm; chữa sốt. Việt Nam trồng Nhài làm cây cảnh, lấy hoa thơm tiếp trà (chè hoa Nhài) và cho thêm vào thức ăn (như tào phở) với nước đường thơm hoa Nhài. Miền Nam Việt Nam trồng nhiều Nhài để dùng ở trong nước và xuất khẩu hoa Nhài.
Mô tả:
Cây nhỏ; lá hình bầu dục màu lục đậm và bóng. Hoa mọc thành cụm; màu trắng rất thơm; nở về đêm (thường dùng để ướp chè hoặc điều chế tinh dầu Nhài).
Cây cao khoảng 1m, nhiều cành, lá mọc đối; hình bầu dục hay trái xoan, nhọn ở đầu và phía cuống; dài 3 - 7 cm, rộng 2 - 3,5 cm, 2 mặt đều bóng, khe các gân phụ, ở mặt dưới có lông. Cụm hoa mọc ở đầu cành, họa màu trắng, mùi thơm ngát; đường kính khoảng 2cm. Quả có 3 ngăn, hình cầu, đường kính 6mm, màu đen; quanh có đài phủ lên. Mùa hoa: tháng 6 - 10.
Bộ phận dùng:
Hoa, lá phơi khô (nhẹ độ), dùng sống hay sao qua. Rễ, thái nhỏ, sao vàng; tinh dầu Hoa nhài.
Tinh dầu Hoa nhài được chế tạo ở một số nước như ở miền Nam nước Pháp, từ hoa Nhài bằng phương pháp ướp hoa với chất béo (enfleurage) để lấy hương Nhài, hoặc chiết xuất tinh dầu bằng dung môi dễ bay hơi như ête dầu hỏa, ethylchlorid, hiệu suất đạt khoang 0,18%.
Thành nhần hóa học:
Hoa Nhài tươi chứa tinh dầu trong đó chủ yếu có benzylalcohol và chất ester của nó, chất jasmon, linalool, benzoat linalyl...
Tinh dầu họa Nhài, tham mát dễ chịu tỷ trọng 0,920 - 1,015 (ở 15°C) được bán trên thương trường dưới dạng pomat Nhài (Jasmin pomade) hoặc tinh dầu hoa Nhài, dạng cô đặc hay dạng chất tinh. Thành phần tinh dầu có chứa: benzyl aretat 41 - 72%, linalyl acetat, linalool, indol, methylester của acid anthranilic, chất ceton Jasmon, chất geraniol v.v...
Theo Đông y:
Tính vị: Tân, cam, ôn
Công dụng: Lý khí, khai uất, tịch uế, hoà trung. Dùng điều trị: hạ lị, bụng đau; viêm kết mạc, sang độc.
Cách dùng, liều lượng:
1. Hoa dùng pha thuốc rửa mắt, chữa viêm màng khoé mắt và màng mộng. Lấy 2 - 4g hoa khô, hãm như pha trà, để rửa mắt và uống.
2. Lá nhài: chữa trẻ em lên sởi, có sốt nhiều; sởi mọc không đều; vật vã. Liều dùng: lá tươi sao vàng hạ thổ; ngày dùng 10 - 20 g (hoặc 12 g lá khô), dưới dạng thuốc sắc.
3. Rễ Nhài: làm giảm đau, an thần. Liều dùng: 2 - 4g
Chú ý: Rễ không được dùng dưới dạng rượu (có độc, có tác dụng gây mê). Dùng phải cẩn thận.
4. Hoa nhài thơm còn dùng để ướp trà. Trong gia đình, người ta tự chế lấy nước hoa Nhài bằng cách chọn những bông Nhài quế thơm, hàm tiếu, làm sạch, ngâm vào nước (đã đụn sôi để nguội) đựng trong hộp, nắp kín, để nơi lạnh mát hoặc trong tủ lạnh. Nhài sẽ toả hương thơm ngất vào nước. Sau đó đem dùng làm thơm thực phẩm như tào phở, thạch v.v.
5. Tinh dầu Hoa nhài dùng làm hương liệu.
Hoa Nhài mọc lâu đời ở Việt Nam, dược liệu được ghi trong Nam Dược Thần Hiệu, Tuệ Tĩnh.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CÂY HOA CÂY THUỐC - HOA NHÀI
Nhận xét
Đăng nhận xét