Tên khác: Cây Quỳ, cây Hoa mặt trời, Hướng nhật quỳ.
Tên khoa học: Helianthus annuus L. Họ Cúc (Asteraceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc Bắc Mỹ, được nhập nội trồng ở châu Âu, châu Á, Trung quốc, Indonesia, Việt Nam. Hướng dương được trồng chủ yếu ở vùng ôn đới và cận nhiệt đới; trồng để lấy hạt ép dầu, có giá trị thực phẩm cao, hoặc trồng làm cảnh vì có hoa to, đẹp. Xưa kia, người da đỏ (Indian) Bác Mỹ, trồng lấy hạt, lấy dầu ăn và chất nhuộm; người Tây Ban Nha đưa về trồng ở châu Âu từ thế kỷ 16; Trung Quốc nhập trồng từ đời Nhà Minh. Việt Nam nhập trồng đã từ lâu, ở các vùng núi cao phía Bắc; gần đây, lại trồng một số giống mới năng suất cao, trong mùa khô ở Tây Bắc và Đông Nam Bộ. Cây con chịu rét kém ngô, cây lớn chịu hạn khoẻ hơn ngô.
Mô tả:
Cây thảo, hàng năm, mọc khoẻ, cao khoảng 1,5 m; có khi tới 2 - 3m, thân cành có chất gỗ, mập có lông đỏ. Lá to, mọc so le, hình trái xoan hoặc hình tim, sờ ráp, lá màu lục sẫm, có lông, cuống dài. Cụm hoa to hình đầu mọc ở ngọn, trục thân chính và cành chính; bao giờ cũng mọc hướng về mặt trời, thường thụ phấn chéo do côn trùng. Các hoa ở trung tâm, hình ống, màu vàng nhạt với lá bắc đen, các hoa ở chu vi, hình lưỡi màu vàng tươi. Quả bế, hơi dẹt, có sọc nổi và vẩy; hạt màu đen trắng hay có sọc; vỏ quả không dính với hạt. Bộ rễ cây thường ăn nông.
Bộ phận dùng: Hạt, hoa, lá
Thành phần hoá học:
Hạt: Có 40 - 50% dầu béo, thành phần acid béo cân đối, rất giầu acid linoleic; khô dầu 35 - 40%, protein giàu acid amin methionin; hạt còn có aleuron. Hoạt chất của hạt là loại dầu béo giầu glycerid của những acid béo không bão hoà và các chất không xà phòng hoá là sterol như b-sitosterol. Ngoài ra, hạt còn có prostagladin E, acid chlorogenic, (3,4-benzopyren) v.v... acid quinic, phytin.
Hoa có quercimeritrin; helianthosid A, B, C; glycosid nhân acid oleanolic và acid echinocystic. Phấn hoa có b-sitosterol.
Lá có scopolin, heliangin, lutein
Tác dụng:
Dầu hạt Hướng dương có thể làm giảm cholesterol trong máu; chống xơ vữa động mạch; có tác dụng phòng cholesterol và lipid huyết cao.
Theo Đông y:
Hạt Hướng dương (Hướng nhật quỳ tử):
Tính vị: Cam, bình.
Công hiệu: Tư âm, chỉ lỵ (cầm đi lỵ), thấu chẩn.
Chủ trị: Thực dục bất chấn (ăn không thấy ngon và không phấn chấn), hư nhược đầu phong; bị huyết lỵ (lỵ ra máu), ma chẩn bất thấú.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 15 - 30g; uống dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: tán nhỏ, bôi đắp hoặc đun nóng dầu để đồ, bôi ngoài.
Hoa (đài) (Hướng dương quỳ hoa đài):
Tác dụng dược lý: Hạ huyết áp.
Tính vị: Cam, ôn
Công hiệu: Dưỡng can, bổ thận, chỉ thống (ngừng đau);
Chủ trị: Nhức đầu (đầu thống), hoa mắt (mục huyễn), thận hư tai ù, đau răng, đau dạ dày (vị thống), đau bụng (phúc thống); phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau kinh; sưng nhọt (sang thũng).
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 30 - 90g, uống dạng thuốc sắc.
Dũng ngoài: đốt tồn tính; giã thành bột nhỏ, bôi đấp chỗ đau.
Lá (Hướng nhật quỳ diệp): Tác dụng dược lý: ức chế tụ cầu vàng
Tính vị: Đạm, bình.
Công hiệu: Thanh nhiệt giải độc;
Chủ trị: Sốt rét (ngược tật); bỏng lửa; cao huyết áp.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 15 - 30g; uống dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: Giã nát, bôi, đắp chỗ đau.
(Theo Trung Dược Từ hải I, trang 2190-2192, 1993).
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét