Tên khác: Khoản đông, Đông hoa.
Tên khoa học: Tussilago farfara L. Họ Cúc (Asteraceae). Flos Farfarae (Hoa)
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc châu Âu, Bắc Phi, châu Á, được di thực ở Bắc Mỹ. Trồng nhiều ở Trung Âu, Trung Quốc v.v..
Thời thượng cổ, cây được ưa chuộng nhiều. Nhưng khi công nghệ hoá được phát triển, cây bị quên dần, nhất là gần đây, phân tích thành phần hoá học Khoản đông hoa châu Âu có lượng thấp alcaloid pyrolisidin như senkirkin, tussilagin (độc), senecionin gây ung thư gan. Nhưng các alcaloid này không có trong chủng mọc ở châu Á và Mỹ La tinh.
Hiện nay, các Dược Điển Trung Quốc 1997 (Anh văn) vẫn có ghi chuyên luận Khoản đông hoa. Còn ở châu Âu, cây Khoản đông hoa vẫn mọc hoang ở những nơi đất thịt, đất cát.
Mô tả:
Cây thảo, sống nhiều năm. Lá có cuống gần như tròn, mép khía răng, uốn lượn; mặt trên xanh lục nhạt, mặt dưới có lông như bông, lá ở phía gốc cây có hình như vết chân lừa, ngựa. Lá sinh ở thân cây có hình vẩy màu tim tím. Có 1 cụm hoa hình đầu màu vàng kim, trên một trục; lá bắc đỏ, có tổng bao xếp thành dẫy. Quả bế mang một mào lông. Cây mọc ở nơi ẩm, mát, vùng khí hậu ôn đới.
Bộ phận dùng:
Hoa và lá. Cụm hoa (đầu) phơi khô âm can; hoa khô, nhỏ, hình sợi chỉ. Lá phơi nắng khô.
Thành nhần hoá học:
Chất nhầy, một số alcolterperic; flavonoid, inulin, tanin, triterpen (arridiol, faradiol), sterol, acid phenol, quercetol kaempferol (dẫn xuất). Hợp chất có liên quan đến tác dụng về tim mạch và hô hấp của Khoản đông hoa là tusslagone một terpenoid có nhiều nhóm ceton, Trên thực nghiệm, chất này làm tăng áp lực động mạch nhanh chóng, giống như Dopamin.
Tác dụng: Làm dịu, hơi chống co thắt
Chế biến và công dụng:
Hoa được hái vào tháng 3 rồi phơi khô trong râm; hái lá vào tháng 5 - 7, phơi khô ngoài nắng. Liều lượng dùng hoa hoặc lá như nhau, từ 30 - 40g (khô), thêm 1 lít nước ngâm 5 phút, sau đó đun sôi, để lâu 1 - 2 phút, rồi hãm 10 phút; lọc qua vải hoặc bông để loại bỏ các sợi tơ (gây kích thích niêm mạc); thêm đường hoặc mật, ngày uống 3 - 5 chén. Nước sắc này có tác dụng trị ho, làm dịu cơn ho, làm long đờm, bổ dưỡng các niệm mạc bị viêm loét. Được chỉ định chữa cảm lạnh, viêm họng, thanh quản, phế quản; sổ mũi; sau khi bị cúm; chứng xuất tiết cấp hay mạn tính, nghiện thuốc lá bị ho. Khoản đông còn có tác dụng chữa viêm dạ dày - ruột do công dụng bổ dương đối với niêm mạc. Hút lá Khoản đông chữa được hen và bổ phổi.
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh (của cụm hoa chưa nở đã phơi hay sấy khô của Khoản đông): Tân, vi khổ, ôn; vào kinh phế
Công năng: Nhuận phế, hạ khí, ngừng họ, trừ đờm.
Chủ trị: mới ho, ho lậu ngày, ho suyễn đờm nhiều, ho lao (do lao lực), ho ra máu.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 5 - 9g, đạng thuốc sắc hoặc hoàn, tán. Thường phối hợp với các thuốc khác.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CHỮA HO HEN - Khoản Đông Hoa
Nhận xét
Đăng nhận xét