Tên khác: Bạch lan, Bạch ngọc lan.
Tên khoa học: Michelia alba DC. Họ Ngọc lan (Magnoliaceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc), được trồng phổ biến ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia. Ở Việt Nam, cây thường được dùng làm cảnh, lấy hoa thơm. Có thể chiết xuất được tinh dầu quý. Gỗ lõi màu nâu dùng tiện đồ mộc; phần gỗ mềm dùng khắc con dấu và đóng đồ dùng thông thường. Ngọc lan trồng bằng giâm cành hoặc bằng cây con.
Mô tả:
Cây gỗ to thường xanh, cao tới 20m. Vỏ thân màu xám. Lá mọc so le, phiến nguyên hình trái xoan dài. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, đều, lưỡng tính. Bao hoa gồm nhiều bản hình thuôn dài, đầu hơi nhọn, không phân hoá thành đài và tràng, xếp theo đường xoắn ốc, màu trắng. Quả gần hình cầu; hạt hình trứng, màu xám. Mùa hoa: tháng 4 - 6.
Bộ phận dùng: Hoa, lá, vỏ thân và rễ.
Thành phần hoá học:
Lá chứa alcaloid, tinh dầu, hợp chất phenolic; lá tươi chứa 0,7% tinh dầu. Hoa chứa tinh dầu, trong có linalool, methyleugenol và phenylethylalcohol. Rễ và vỏ thân chữa alcaloid ushisunin, oxoshinsunin, michelabin.
Tác dụng: Ngừng ho, trừ đờm, bình suyễn.
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Khổ, tân, ôn.
Công dụng: Ngừng ho (chỉ khái), hoá trọc.
Chủ trị: viêm phế quản mạn tính, viêm tuyến tiền liệt, phụ nữ bị bệnh bạch đới.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 12 - 20g dạng thuốc nước sắc (Trung Dược Đại Từ điển (1995) số 1410).
Chú thích:
Ngọc lan ta cùng họ Ngọc lan (Magnoliaceae) với cây Ngọc lan tân di (Magnolia de nudata Dest.) nhưng hoa nhỏ hơn.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét