Tên khác: Hồng trà hoa, Trà hoa, Bạch trà (cây).
Tiên khoa học: Camellia japonica L. Họ Chè (Theaceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc Đông Á (Nhật Bản, Trung Quốc ...), tên La tinh Camellia xuất xứ từ Camelli; tên Ý của nhà truyền giáo G.J. Kamel (1661-1706) người xứ Moravi, đi giảng đạo ở Viễn Đông và đã mang về châu Âu cây Sơn trà này. Thế kỷ 19, nhà văn người Pháp Alexandre Dumas fils (1824 - 1895) trong tác phẩm “Trà hoa nữ" (La Dame aux Camelias) cũng dùng đến danh từ Trà hoa của đất Phù Tang, người Phù Tang, Á Đông.
Mô tả:
Cây gỗ, cây bụi cao 3 - 4m, thường xanh và được trồng ở nơi đình viện. Lá đơn mọc so le, nhẵn, láng bóng, hình trứng hoặc bầu dục, mép lá có răng nhỏ. Hoa đơn độc, mọc ở kẽ lá, trông tựa hoa Hồng, bóng đẹp. Tràng hoa có 5 - 7 cánh. Giống Trà hoa trồng trọt có thể có cánh hoa kép. Hoa màu hồng, màu trắng hoặc pha trộn màu. Trà hoa trắng được ưa chuộng. Quả nang hơi tròn có 3 cạnh, màu nâu; hạt nâu đen. Mùa hoa: tháng 4 - 5; mùa quả: tháng 9 - 10.
Bộ phận dùng:
Hoa, thu hái vào vụ xuân, hè phơi khô âm can.
Thành phần hoá học:
Hoa chứa leucoanthocyanin, anthocyanin, camellin; saponin Sơn trà có aglycon là camelliagenin A, B, C. Lá Sơn trà có L.epicatechol, d-catechol.
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Cam, khổ, tân, lương; vào các kinh can, phế.
Công năng: Lượng huyết, chỉ huyết, tán ứ, tiêu thũng.
Dùng điều trị thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam), băng huyết, trường phong, lỵ ra máu, đái ra máu, bị đánh bị ngã tổn thương, bị bỏng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 - 12g, uống dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: Tán bột, trộn với dầu vừng, bôi chỗ đau.
(Trung Dược Đại Từ điển số 0371).
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét