Tên khác: Kim thoa Thạch hộc, Kim thạch hộc, Điếu lan (hoa).
Tên khoa học: Dendrobium nobile Lindl. Họ Lan (Orchidaceae).
Nguồn gốc:
Phân bố từ 6,8 độ vĩ bắc đến 56 độ vĩ nam, chủ yếu ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Myanma và các nước nhiệt đới, Á nhiệt đới và châu Mỹ. Châu Á có 250 chị, 6800 loài. Ở Việt Nam có khoảng 125 chi, trên 800 loài Lan, mọc ở vách đá, hốc đá; sống phụ sinh, sống bì sinh trên cây khác. Một số mọc trên đất hoặc sống hoại sinh. Có nhiều loài Lan cho hoa đẹp, hương thơm, dùng trang trí, làm cảnh, được nhiều người ưa thích. Có nước đã dùng kỹ thuật nuôi cấy mô để giữ giống và gây nhiều giống mới, giống quý. Lan là nguồn lợi xuất khẩu quan trọng ở một số nước (Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ ...). Ở Việt Nam đã kết hợp cách trồng cổ truyền với kỹ thuật hiện đại để sản xuất nhiều Lan và xuất khẩu. Lan kim thoa Thạch hộc mọc hoang ở Việt Nam, nhất là ở khắp rừng núi miền Bắc. Thạch hộc không những là cây hoa đẹp mà còn là cây thuốc tốt.
Mô tả:
Thạch hộc là cây phụ sinh trên những cây to, cao, hay vách đá; cây cao 30 - 50 cm, thường mọc thành khóm thân thẳng đứng, hơi dẹt, có rãnh dọc, phía trên hơi dày hơn; có đốt dài 2,5 - 3 cm, có vân dọc. Lá mọc so le, thành dãy đều ở 2 bên thân; lá thuôn dài, hầu như không có cuống, đầu lá hơi cuộn, hình móng, có 5 gân dọc, dài 12 cm, rộng 2 - 3 cm. Cụm hoa mọc thành chùm, ở kẽ lá trên những cuống dài; hoa to màu hồng hay điểm hồng; mỗi cuống mang 2 - 4 hoa. Hoa có cánh môi, hình bầu dục nhọn, cuốn thành phễu trong hoa. Ở họng hoa có những điểm màu tím. Quả nang hơi hình thoi, khi khô tự mở ra; nhiều hạt. Mùa hoa: tháng 2 - 4; mùa quả: tháng 4 - 6.
Bộ phận dùng:
Thân cây tươi hoặc khô. Thu hái vào mùa đông, phơi hoặc sấy khô; bỏ rễ, tẩm rượu 1 đêm rồi phơi khô; lại tẩm giấm, phơi khô, dùng làm thuốc.
Thành phần hoá học:
Thân cây chứa alcaloid 0,3%, trong có: dendrobin, nobolonin, nobilin, (6-hydroxydendrobin), dendramin; dendroxin, (6-hydroxydendroxin), (4-hydroxydendroxin), dendrin, (3-hydroxy-2-oxydendrobin), N-methyldendrobinium), (N-isopentenyldendrobinium), (dendrobin-N-oxyd), (N- isopentenyl dendrobinium); b-sistosterol, daueosterol v.v...
Tác dụng:
- Tác dụng đối với cơ trơn.
- Đối với tim, mạch.
- Ảnh hưởng đối với sự miễn dịch cơ thể.
- Tác dụng chống lão suy.
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Cam, vi hàn; vào các kinh vị, thận.
Công năng: Ích vị, sinh tân, tư âm, thanh nhiệt.
Chủ trị: bệnh nội nhiệt âm suy, tân dịch khô, miệng khô, bứt rứt, khát nước, ăn kém; nôn khan, sau khi hết bệnh hư nhiệt, vẫn còn mắt mờ nhìn không rõ.
Theo "Medicinnal plants in China, WHO - 1989): Những chỉ định chính của Kim hoa Thạch hộc là:
- Khát và khô lưỡi.
- Yếu mệt và sốt trong thời kỳ dưỡng bệnh.
- Nôn oẹ.
Liều dùng: 6 - 13g dược liệu khô hoặc 15 - 30g tươi.
Theo Dược Điển Việt Nam III, (2002)
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 6 - 12g dược liệu khô; 15 - 30g dược liệu tươi; dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán; thường phối hợp với các loại thuốc khác.
Chú thích:
Một số cây Lan hoàng thảo chỉ Dendrobium cũng được dùng làm thuốc như Thạch hộc và cũng được ghi trong Dược Điển Việt Nam III (2002) và Dược Điển Trung Quốc 1995 như: Hoàn thảo Thạch hộc (D.lodigesii Rolfe); Mã tiền Thạch hộc (D.fimbridium Hook), Hoàng thảo Thạch hộc (D.chrysanthum Wall ex Landl), Thiết bì Thạch hộc (D.candium Wall ex. Lindl), họ Lan (Orchidaccae).
Ngoài ra ở Việt Nam còn có một số loài Dendrobium dùng làm cây cảnh như sau:
1. Lan Hoàng thảo giá hạc (Phi điệp):
Dendrobiuim anosmum Lindl. [D leueorhodum Schl = D. macranthum H.K. = D.macrophyllum Lindl. (Orchidaceae).
Mô ta:
Cây thân thảo sống phụ sinh, thân dài đến 1m, hình trụ, buông thõng, màu xanh lục hay vàng nhạt, mang nhiều đốt; lá thuôn hình giáo hay trái xoan, mảnh, mềm dễ rung, có 7 gân rõ. Hoa lớn, xếp 1 - 2 đoá ở mỗi đốt, đường kính hoa 7 - 8 cm, màu hồng tím với 2 đốm to màu đậm. Cánh tràng hình giáo nhọn, cánh môi to, trải rộng tù ở đỉnh: có họng ngắn ở gốc, và cuộn lại; mép cánh môi khía răng dầy và gần nhự chia 3 thùy; cột nhị nhụy hơi cong ra phía ngoài. Hoa nở vào vụ xuân hè, tháng 4 - 6. Cây có dáng rất đẹp, cho hoa to, nở rộ, bền, sắc màu rực rỡ, lộng lẫy, hương thơm nhẹ, được ưa chuộng.
Vùng phân bố:
Đông Nam Á; ở Việt Nam, cây mọc phổ biến ở miền Bắc và vùng núi cao Nam Trung bộ (Đà Lạt, Lâm Đồng).
2. Lan Hoàng thảo vảy rồng:
Dendrobium jenkinsii Wall ex Lindl. (= D.aggeratum Roxb. = D.marseilli Gagnep. = D.lindlayi Steud.) (Orchidaceae).
Mô tả:
Cây thảo, thân rễ bò, dài, màu vàng nhạt, củ giả, xếp áp sát lấy vật bám dạng dẹt, gồm 3 - 4 đốt, phình ở giữa, dẹt và khía rãnh dọc ở mép. Mỗi đốt có nhiều bẹ dạng sợi. Tất cả dài khoảng 5 - 6 cm, màu vàng xanh lục, và tận cùng bằng 1 lá.
Lá thuôn dài 10 - 15 cm, dày màu xanh lục bóng, cứng, mép cong, cuống lá rộng nơi gốc lá. Hoa tập trung thành chùm to, có 5 - 15 hoa mọc thẳng đứng hay buông thõng xuống. Hoa màu vàng, phần trung tâm cánh mỗi màu đậm hơn. Hoa to đường kính 3 cm; lá đài dạng trái xoan nhọn đầu; cánh tràng có họng ngắn tròn ở đỉnh. Cánh môi trải rộng có họng đính vào 3 cánh đài bên, phiến môi dạng tròn, mép có nếp nhăn gợn sóng, lõm xuống và dày ở phần gốc, có cằm rất ngắn. Hoa nở vào mùa xuân, rất đẹp nhưng không bền. Đây là cây cảnh có thể để trang trí tại phòng khách vào dịp Tết Nguyên đán.
Nguồn gốc và phân bổ:
Cây phân bố ở Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Mianma, Lào, Thái Lan. Ở Việt Nam, cây mọc phổ biến ở các tỉnh miền Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế) và trên vùng núi cao Nam Trung Bộ (Lâm Đồng, Đà Lạt)...
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Thạch Hộc
Nhận xét
Đăng nhận xét