Tên khác: Mãn đình hồng
Tên khoa học: Althea rosea Cavailles. Họ Bông (Malvaceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc Á, Âu, được trồng ở nhiều nơi trên thế giới (châu Á, châu Mỹ, châu Âu). Ở Việt Nam từ lâu đã trồng cây này, nhiều nhất là ở Đà Lạt.
Mô tả:
Cây Thục quỳ là cây hoa thường sống 2 năm, cao 2,5 m, thân thẳng đứng, lá có thùy chân vịt, thân có lông, hoa to và đẹp, với nhiều màu sắc mọc thành cụm hình bông dài. Hoa màu đỏ, trắng hay hồng, nở quanh năm. Từ khi gieo hạt đến khi ra hoa: 100 - 105 ngày. Hoa sai và đẹp nhưng ít hương thơm như nhiều hoa họ Bông (Dâm bụt, Phù dung).
Bộ phận dùng:
Hoa, lá, rễ, hạt. Mùa hạ, thu, thu hoạch về phơi khô hoặc dùng tươi. Thục quỳ là một vị thuốc điều hoà chức năng tiêu hoá, dùng lá non luộc trộn với thức ăn. Dược Điển châu Âu (như Pháp, Đức thường dùng loài Althea officinalis L. cùng chi Althea, làm thuốc giảm đau (rễ cây) và trị ho (hoa).
Thành phần hoá học:
Hoa chứa chất sắc tố màu vàng dibenzyl carbinol, dihydrokaempferol, herbacin (thuỷ phân cho herbacetin).
Theo Đông y:
Tính vị: Cam, hàn.
Công năng: Hoạt huyết, nhuận táo, thông lợi nhị tiện (đại, tiểu tiện).
Dùng điều trị: bệnh lỵ, thổ huyết, băng huyết, đới hạ, đại tiện, tiểu tiện không thông, sốt rét, phong chẩn (sởi) ở trẻ em.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 4 - 8g, uống dạng thuốc sắc hoặc tán bột.
Dùng ngoài: tán bột, bôi, đắp.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai kiêng dùng.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét