a. Thành phần và tác dụng
Rau cần là loại rau thông dụng, không chỉ dùng làm thực phẩm mà còn có tác dụng chữa bệnh.
Rau cần có giá trị dinh dưỡng cao, cứ 100g rau cần, chứa 26g protein, canxi 160mg, phot pho 61mg, trong đó hàm lượng protein cao hơn gấp vài lần so với rau quả khác. Hàm lượng sắt, canxi cao gấp 20 lần so với cà chua. Rau cần thường sử dụng phần cành to và non, giàu mùi thơm. Có thể xào chay, xào mặn, luộc chín, cũng có thể làm nhân. Lá và hoa của rau cần cũng có thể ăn. Rau cần chứa tinh dầu đã bay hơi, mùi thơm, giúp ăn ngon miệng, tăng tuần hoàn máu. Ngoài ra còn có tác dụng kiện não ích trí và trị các bệnh tim mạch.
Theo Đông y, rau cần có tác dụng bình can, thanh nhiệt, trừ phong lợi thấp, nhuận phế, ngưng ho, sáng mắt, giảm áp suất máu. Thích hợp cho người huyết áp cao, mắt mờ, đầu nặng, ho ra đờm, máu ứ, mưng nhọt. Dùng nước cốt rau cần giúp trị sốt cao đột ngột ở trẻ, trị người nóng sau khi say rượu, thông đại tiểu tiện. Sắc nước rau cần uống trị thổ tả ở trẻ em. Người bị buyết áp cao nên dùng rau cần thường xuyên, giúp hạ huyết áp. Rau cần còn có ích cho phụ nữ có thai, bà mẹ đang cho con bú và người bệnh thiếu sắt. Đối với người bị bệnh gan và táo bón, dùng rau cần giúp khôi phục sức khoẻ. Rau cần nấu với thịt giúp kiện tỳ vị. Rau cần vắt nước hoà với đường trắng uống thay trà, giúp trị viêm khớp tay chân.
b. Bài thuốc phối hợp
- Cao huyết áp: Rau cần 10 cây, rửa sạch giã nát, thêm 10 quả táo tàu, đem đun với nước. Mỗi ngày uống 2 lần, dùng 15 - 20 ngày là một đợt điều trị; rau cần để cả rễ 120g rửa sạch, cắt nhỏ, cho thêm gạo vừa đủ nấu cháo để ăn thường xuyên; hoặc dùng rau cần tươi rửa sạch, luộc chín trong 1 - 3 phút, lấy ra cắt đoạn cho thêm muối ăn, dầu vừng, giấm vừa đủ, trộn làm thức ăn. Cho 2 chân ngâm vào nước luộc rau cần khi còn nóng; hoặc dùng rau cần 500g, luộc cho thêm đường trắng vừa đủ để uống thay trà.
- Tiểu đường: Rau cần 500g rửa sạch vò nát, ép lấy nước. Uống ngày 1 - 2 lần, dùng liên tục. Có thể dùng nước sôi chần qua, vớt ra cắt khúc rồi trộn thêm gia vị để ăn.
Hoặc: Rau cần tươi 60g, gạo tẻ 70 - 100g. Rau cần rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi cùng với gạo, đổ khoảng 600ml nước, nấu thành cháo, ăn ngày 2 lần vào buổi sáng và tối khi cháo còn nóng. Cháo có công dụng bổ thận, thanh nhiệt, lợi tiểu, bình can, nhưng tác dụng chậm, phải dùng lâu mới hiệu nghiệm.
- Mất ngủ: Rễ rau cần 90g, nhân hạt táo chua 9g. Sắc lấy nước uống.
- Đau đầu: Rễ rau cần vừa đủ, rửa sạch vò nát, rồi đem tráng với trứng gà để ăn, ngày dùng 2 lần.
- Sau khi sinh bị đau bụng: Dùng rau cần 60g đem nấu với một ít đường đỏ và ít rượu. Uống lúc bụng đói.
- Ho lâu ngày: Rau cần để cả rễ 500g, rửa sạch, vò nát ép lấy nước, cho thêm ít muối, rồi nấu cách thuỷ. Uống 1 bát nhỏ vào buổi sáng và buổi tối. Dùng liền vài ngày.
- Viêm gan mạn tính, tiểu ra máu: Rau cần tươi 200g, rửa sạch, vò nát, ép lấy nước, cho thêm 50g mật ong, trộn đều, uống nóng. Ngày 1 - 3 lần, dùng liên tục trong nhiều ngày.
- Trẻ con nôn mửa và thổ tả: Lấy rau cần đun nước, cho thêm đường để uống.
- Tiểu khó: Rau cần tươi 50 - 100g luộc lấy nước uống.
- Kinh nguyệt sớm: Rau cần tươi 100g (rau khô thì khoảng 30g) đun lấy nước uống.
- Viêm khớp tay và chân, bệnh thần kinh do phong thấp: Rau cần tươi ép lấy nước cho thêm đường trắng đủ lượng, đun sôi uống như nước trà.
- Mất ngủ: Lấy gốc rau cần cả rễ 90g, toan táo nhân 9g (sao cháy đen), sắc nước uống.
- Nhức đầu: Lấy gốc rau cần cả rễ 1 nắm to, rửa sạch, giã nát, xào với trứng gà, ăn ngày 2 lần.
- Viêm phế quản: Gốc rau cần cả rễ 100g, vỏ quýt 9g, kẹo mạch nha 30g. Cho kẹo mạch nha vào nồi, đun sôi, sau đó cho gốc rau cần và vỏ quýt, sao cháy, đổ thêm nước, sắc uống trong ngày.
- Ho do viêm phế quản mạn tính: Rễ rau cần l5g, hoa kinh giới 6g, hoa tiêu 2g, phục linh 9g, đường phèn 12g. Rễ rau cần, hoa tiêu và phục linh đun sôi trong 10 phút, cho hoa kinh giới đun sôi thêm 5 phút, chắt lấy nước, hoà với 6g đường phèn vào uống. Nước thứ 2 đun sôi trong 10 phút, chắt nước, pha nốt 6g đường phèn. Mỗi liệu trình kéo dài 10 ngày.
- Ho gà: Rau cần cả cây 500g rửa sạch, vắt lấy nước cốt, thêm vài hạt muối, hấp cách thuỷ, chia 2 phần uống vào sáng sớm và tối, liên tục trong nhiều ngày.
- Ho do lao phổi: Rễ rau cần 30g rửa sạch, thái nhỏ, trộn với mật hoặc đường đỏ, xào chín, ăn ngày 2 - 3 lần.
- Cao huyết áp, thần kinh căng thẳng, đầu trướng đau, mặt đỏ bừng: Rau cần tươi 250g rửa sạch, chần nước sôi, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy nước uống (mỗi lần 1 bát con, ngày 2 lần). Thuốc có tác dụng hạ huyết áp và giải trừ trạng thái căng thẳng, khó chịu.
Nếu không có rau cần tươi, có thể dùng 30 - 60g rau cần khô (thêm 12g mướp đắng càng tốt) sắc uống. Cách chế rau cần khô: Rau cần tươi chần qua nước sôi, phơi trong bóng mát cho khô, cất đi dùng dần.
- Ăn vào nôn ngược trở ra: Rễ rau cần tươi 30g, cam thảo 15g, thêm nước vào đun sôi trong 10 phút, chắt lấy nước, đập vào 1 quả trứng gà, ăn trứng, uống nước.
- Tiểu ra máu: Rau cần tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 bát.
- Tiểu tiện nhỏ giọt, đau nhức: Rau cần tươi bỏ lá, giã nát, vắt lấy nước cốt, hoà với nước đun sôi để nguội uống. Hoặc: Rau cần tươi 50 - 100g, sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
- Phong thấp, khớp xương chân tay viêm tấy, đau nhức: Rau cần tươi giã nát, vắt lấy nước, thêm đường trắng vào đun sôi, uống thay trà trong ngày.
- Kinh nguyệt trước kỳ: Rau cần khô 500g, sắc nước uống thay trà trong ngày, uống thường xuyên sẽ có tác dụng.
- Sau sinh xuất huyết: Rễ rau cần 60g, trứng gà 2 quả, tất cả đem luộc chín, ăn trứng và uống nước luộc.
- Quai bị: Rau cần tươi giã nát, trộn với đầu vừng hoặc dầu lạc, đắp vào chỗ bị bệnh.
Trích nguồn từ sách: "NHỮNG VỊ THUỐC QUANH TA"
của Đức Minh do NXB Hà Nội ấn hành
Xem thêm: CÂY RAU LÀM THUỐC - RAU CẦN
Nhận xét
Đăng nhận xét