a. Thành phần và tác dụng
Rau muống còn gọi là vô tâm thái, ung thái, uông thái. Tính hàn, vị ngọt. Thành phần chính trong rau muống là canxi, phot pho, sắt, caroten, vitamin B₂, axit nicotic.
Trong rau muống đỏ có chứa chất giống như chất insulin. Người bị tiểu đường có thể ăn thường xuyên. Tác dụng: thanh nhiệt giải độc. Thông tiện lợi thuỷ. Ngưng chảy máu, hoạt huyết. Chủ yếu dùng cho chảy máu mũi, đại tiện ra máu, phân cứng, nước tiểu đục, mưng nhọt, bị ngã, rắn cắn.
b. Bài thuốc phối hợp
- Đại tiện ra máu, tiểu ra máu, nước tiểu đục: Rau muống tươi rửa sạch, giã nát lấy nước, cho vừa mật ong, khuấy đều uống. Mỗi lần 30 - 50ml.
- Chảy máu cam: Rau muống tươi 100g, đường đỏ vừa đủ. Nghiền nát, cho ít nước sôi vào khuấy mà uống.
- Dạ dày, ruột thấp nhiệt, đại tiện phân cứng, rắn: Rau muống rửa sạch, cắt nhỏ, xào ăn, hoặc nấu canh. Ngày 1 - 2 lần.
- Trĩ, lòi dom: 100g rau muống. Nấu nhừ, gạn lấy nước. Cho thêm 120g đường trắng. Đun cho đặc như đường mạch nha. Ngày hai lần, mỗi lần 100g, uống vào sáng và chiều.
- Mụn nhọt, mưng mủ: Rau muống tươi giã nát với mật ong vừa đủ. Đánh nhuyễn đắp vào chỗ đau.
- Sâu bọ, rắn cắn hoặc bị bỏng lửa: Rau muống rửa sạch, giã nát, lọc lấy 250ml cho thêm 25ml rượu trắng mà uống. Lấy bã đắp vào chỗ đau. Hoặc dùng rau muống cho thêm muối vừa đủ cùng xay nát. Đắp vào chỗ đau.
- Thanh nhiệt, lương huyết, cầm máu, chữa tâm phiền, chảy máu cam, lưỡi đỏ rêu vàng, khát nước, ù tai chóng mặt: Rau muống 150g, hoa cúc 12g, nước vừa dùng, đun sôi lửa to 20 phút. Lọc lấy nước uống. Có thể cho thêm chút đường.
- Đau đầu trong trường hợp cao huyết áp: Khi luộc rau muống cho thêm ít giấm (tuy nhiên không thể dùng thường xuyên, lâu dài để chữa bệnh cao huyết áp thay thuốc đặc hiệu).
- Phân có chất nhầy, màu đỏ trắng, đau thắt bụng: Lấy 400g cọng rau muống tươi, thêm một ít vỏ quýt khô để lâu (trần bì) nấu với nhiều nước, để lửa nhỏ trong vài giờ. Uống hàng ngày.
- Đau dạ dày, nóng ruột, ở chua, miệng khô đắng: Rau muống 20g, rau má 20g, rau sam 16g, cỏ mực 20g, vỏ quýt khô 12g. Tất cả sao qua, cho vào ấm, để 500ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống lúc đói.
- Say sắn, ngộ độc sắn: Dùng một nắm rau muống rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống. Hoặc lấy 100g rau muống cắt đoạn, cám gạo tẻ 50g, trộn vào giã nhuyễn, thêm nước cho loãng để uống.
- Giải các chất độc trong thức ăn (ngộ độc thức ăn): Giã rau muống, lấy nước cốt uống.
- Các chứng bệnh chảy máu như chảy máu cam, ho nôn ra máu, tiểu ra máu, trĩ, lỵ ra máu...: Giã rau muống, vắt lấy nước, thêm đường hay mật ong uống.
- Phụ nữ mang thai khó sinh: Giã rau muống lấy nước cốt hoà ít rượu cho uống.
- Khí hư bạch đới: Rau muống cả rễ 500g, hoa râm bụt trắng 250g hầm với thịt lợn nạc hoặc thịt gà, ăn thịt uống nước.
- Phù thũng toàn thân do thận, bí tiểu tiện: Rau muống 1 nắm, râu ngô 12g, rễ cỏ tranh 12g. Sắc nước uống 1 lần. Hoặc rau muống 500g, rửa sạch, thái nhỏ. Gà vàng (lông vàng, chân vàng, da vàng) một con làm sạch, bỏ nội tạng, nhồi rau muống vào, hầm nhừ, thêm ít rượu. Khi chín bỏ rau ăn thịt gà. Ăn khoảng 3 con.
- Tiểu đường: Rau muống 60g, râu ngô 30g. Nấu nước uống (Dùng rau muống tía tốt hơn rau muống trắng).
- Quai bị: Rau muống 200 - 400g luộc kỹ, ăn cả rau lẫn nước. Có thể pha đường vào nước rau.
- Chứng đẹn trong miệng hoặc lở khoé miệng ở trẻ em: Rau muống 100g, củ hành lá 50g, nấu canh, nêm muối vừa ăn.
- Lở ngứa, loét ngoài da, giời leo: Ngọn rau muống và lá cây vòi voi rửa thật sạch với ít nước muối, giã nhuyễn đắp lên vết thương.
- Rắn giun (loại rắn chỉ bằng con giun đất), ong cắn: Lấy rau muống tía 7 cọng, giã nhuyễn, vắt nước uống, bã đắp vào vết cắn. - Rôm sẩy, mẩn ngứa, sởi, thuỷ đậu ở trẻ em: Dùng nước nấu rau muống xoa, rửa, tắm cho trẻ.
Trích nguồn từ sách: "NHỮNG VỊ THUỐC QUANH TA"
của Đức Minh do NXB Hà Nội ấn hành
Xem thêm: CÂY RAU LÀM THUỐC - RAU MUỐNG
Xem thêm: THÔNG TIỂU TIỆN VÀ THÔNG MẬT - Rau Muống
Nhận xét
Đăng nhận xét