Vị thuốc là rễ của cây bạch chỉ Angelcaca dahurica Benth et Hook. Họ Hoa tán - Apiaceae là cây thuốc di thực, hiện nay đã được trồng thuần phục ở nước ta.
Tính vị: vị cay, tính ấm.
Quy kinh: vào 3 kinh, phế, vị đại tràng.
- Giải cảm hàn, dùng trong các bệnh do lạnh gây ra, biểu hiện đau đầu, chủ yếu đau phần trán và đau nhức phần xương lông mày, hốc mắt; hoặc đau mắt mà nước mắt trào ra. Phối hợp với địa liền, cát căn, xuyên khung. Có trong thành phần của phương bạch địa căn, hoặc bột khung chỉ.
- Trừ phong giảm đau: dùng để chữa phong thấp, đau răng, viêm mũi mạn tính, đau dây thần kinh ở mặt, đau dạ dày; có thể dùng bạch chỉ, thương nhĩ tử, tân di, mỗi thứ 12g, bạc hà 6g, nghiền thành bột mịn, uống với nước sôi để nguội.
- Giải độc trừ mủ (bài nùng), dùng đối với nhọt độc, viêm tuyến vú; hoặc rắn độc cắn, phối hợp với bồ công anh, kim ngân hoa, cam thảo; hoặc mụn nhọt có mủ.
- Hành huyết, điều kinh: trị phụ nữ bế kinh hoặc bệnh băng lậu đới hạ. Phối hợp với thuốc điều kinh khác.
- Nhuận cơ, kiện cơ nhục, tỉnh tỳ. Dùng trong trường hợp cơ nhục đau mỏi, vô lực, đặc biệt bệnh đau thắt vùng ngực cho hiệu quả tốt.
Liều dùng: 4 - 12g.
Kiêng kỵ: những người thuộc chứng hư, uất hoả, không nên dùng. Sốt xuất huyết không nên dùng.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: nước chiết bạch chỉ có tác dụng làm giãn mạch vành tim, tác dụng này là do chất byak-angelicol C₁₇H₁₆O₆, chiếm 0,2% trong bạch chỉ. Điều đó giải thích được tác dụng hoạt huyết giảm đau, nhuận cơ và đau thắt ngực của vị thuốc.
- Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc bạch chỉ có phổ kháng khuẩn rất rộng như ức chế trực khuẩn đại tràng, lỵ, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, lao và cung khuẩn hoắc loạn.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Bạch Chỉ
Nhận xét
Đăng nhận xét