Gồm các vị: tô diệp (lá tía tô), tô ngạnh (cành tía tô), tô tử (hạt tía tô), thu hái từ cây tía tô Perilla frutescens (L.) Britt. Họ Hoa môi Lamiaceae.
Tính vị: vị cay, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Giải cảm hàn: dùng lá trong trường hợp bị cảm hàn, có tác dụng làm ra mồ hôi hạ nhiệt cơ thể có sốt, đầu nhức, đau răng. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác như tía tô, trần bì, cam thảo dây, hương phụ, mỗi thứ 12g, hành tăm 8g. Cũng có thể chỉ dùng tô diệp và sinh khương, mỗi thứ 6g. Nếu có ho, thêm hạnh nhân trần bì, mỗi thứ 6g. Hoặc chỉ dùng riêng tô diệp cho vào cháo nóng mà ăn.
- Kiện vị, chỉ nôn: dùng trong trường hợp tỳ vị bị ứ trệ, đầy trướng ì ách, ăn uống không tiêu, buồn nôn, có thể phối hợp với khương bào, ngoài ra còn dùng khi người choáng váng, say tàu xe.
- Khử đờm chỉ ho, dùng trong ngoại cảm phong hàn có ho nhiều đờm, dùng tô diệp sinh khương mỗi thứ 8g, hạnh nhân bán hạ mỗi thứ 12g. Trường hợp viêm khí quản mạn tính có ho nhiều đờm có thể dùng phương tam tử thang tô tử, lai phục tử, đình lịch tử, mỗi thứ 8g. Hoặc chỉ dùng tô tử, lai phục tử (hạt củ cải) mỗi thứ 12g. Phương tam tử thang nói trên dùng tốt cho người già bị viêm phế quản.
- Hành khí an thai, dùng khi can khí bị uất kết dẫn động thai; có thể phối hợp với chư ma căn (củ gai), ngải diệp. Trường hợp có thai mà nôn thì dùng tô ngạnh, khương bán hạ đồng lượng 12g, trần bì 6g.
- Cố thân (làm cho thận khoẻ mạnh): dùng cho bệnh di tinh, mộng tinh, hạt tía tô tán bột mỗi lần uống 4g với rượu.
- Giải độc sát khuẩn: dùng tô ngạnh và tô diệp đốt xông khói hoặc nấu nước xông hơi để làm sạch môi trường trong nhà có bệnh sởi, đậu. Lá xoăn của tía tô xát vào chỗ mụn cơm, mụn cơm sẽ “bay” đi, ngoài ra còn dùng tô diệp để giải độc cua cá, thức ăn gây dị ứng, gây nôn mửa.
Liều dùng: 4-12g
Kiêng kỵ: những người biểu hư, mồ hôi nhiều, mồ hôi trộm không nên dùng. Chất dầu của quả tía tô có tác dụng gây đại tiện lỏng; do vậy những người ăn uống không tiêu, đại tiện lỏng không nên dùng.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: dịch chiết từ tô diệp làm tăng nhu động của ruột dạ dày, giãn phế quản. Điều đó chứng minh cho công năng kiện vị và chỉ ho trong điều trị.
- Tác dụng kháng khuẩn: tía tô có tác dụng ức chế một số vi khuẩn đường ruột như vi khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng. Tinh dầu tía tô có tác dụng diệt lỵ amip (Nguyễn Đức Minh).
- Tô tử, vị cay, tính ấm; quy kinh phế; có công năng bình suyễn trừ đờm; dùng để chữa ho hoá đờm bình suyễn.
Phan Xuân Sinh - Trần Thị Oanh thấy tô tử chứa 11,3% dầu béo, flavonosid, tinh dầu có tác dụng trừ đờm bình suyễn.
- Cây cọc dậu, lá cũng tía và giống cây tía tô, song lá không thơm, cần tránh nhầm lẫn.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Tía Tô
Xem thêm: CÂY RAU LÀM THUỐC - TÍA TÔ
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - TÍA TÔ
Nhận xét
Đăng nhận xét