Là cành non phơi khô của một số loài quế Cinnamomun obtusifolium. Ví dụ quế quan - Cinnamomun zeylanicum Blum, quế Trung Quốc - Cinnamomun casia Blum. Họ Long não - Lauraceae. Cây quế mọc hoang và được trồng ở nhiều tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Yên Bái v.v..
Tính vị: vị cay ngọt, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Giải biểu tán hàn, dùng để chữa các bệnh cảm mạo phong hàn, biểu hiện sốt cao, có rét run, không có mồ hôi. Khi dùng có thể phối hợp với ma hoàng, trong bài ma hoàng thang: ma hoàng, quế chi, hạnh nhân, cam thảo; hoặc quế chi thang: quế chi, cam thảo, thược dược, sinh khương, đại táo (quế chi thang dùng khi cảm hàn đau cơ nhục thần kinh do lạnh).
- Làm thông dương khí, khi duơng khí bị ứ trệ, dẫn đến phần nước trong cơ thể bị ngưng đọng, gây phù nề; hoặc dùng trong chứng đờm ẩm, khí huyết lưu thông kém.
- Làm ấm kinh thông mạch, dùng điều trị các bệnh phong hàn, thấp trệ dẫn đến đau nhức xương khớp; có thể phối hợp với phòng phong, bạch chỉ.
- Hành huyết giảm đau; dùng trong các trường hợp bế kinh ứ huyết của phụ nữ; trường hợp thai chết lưu trong bụng phối hợp với xa hương; đau bụng do lạnh, phối hợp với hương phụ.
- Làm ấm thận hành thuỷ; dùng khi chức năng thân dương suy yếu, tiểu tiện bí tức, hen suyễn phối hợp với mộc thông, uy linh tiên
Liều dùng: 4-20g
Kiêng kỵ: những người có chứng thấp nhiệt, âm hư hoả vượng, đau bụng, các chứng xuất huyết, phụ nữ có thai không được dùng.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: quế chi có khả năng kích thích tuyến mồ hồi bài tiết, giãn mạch (chứng minh cho tính phát hãn, giải biểu của vị thuốc).
- Tác dụng giảm đau, giải co quắp (giải thích công năng thông dương khí, hành huyết, ấm kinh thông mạch). Ngoài ra quế chi còn có tác dụng cường tim, kích thích niêm mạc dạ dày, tăng nhu động dạ dày ruột.
- Tác dụng kháng khuẩn, quế chi ức chế hoạt động của một số vi khuẩn đường ruột như lỵ trực khuẩn, vi khuẩn hoắc loạn. Ức chế hoạt động của men và vi khuẩn sinh hơi, ức chế virus bệnh cúm. Những kết quả này phần nào giải thích tác dụng chữa đau bụng, chữa cảm hàn của quế chi.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Quế
Nhận xét
Đăng nhận xét