Dùng rễ và lá của cây sài hồ Buplerum sinense DC. Họ Hoa tán Apiaceae. Ngoài ra còn dùng rễ cây lức hoặc rễ cây cúc tần làm vị Nam sài hồ. (Radix plucheae pteropodae). Họ cúc Asteraceae.
Tính vị: vị đắng, tính hơi hàn.
Công năng chủ trị:
- Giải cảm nhiệt, dùng đối với bệnh sốt do cảm mạo, phối hợp với cát căn hoặc với bán hạ, hoàng cầm, cam thảo.
- Sơ can giải uất, ích tinh sáng mắt; dùng đối với bệnh hoa mắt, chóng mặt do can khí uất trệ mà dẫn đến; còn thể hiện chứng đau nhức hai sườn, kinh nguyệt không đều, có kinh đau bụng.
- Kiện tỳ vị, bổ trung, ích khí, thăng dương khí dùng trong các trường hợp bụng đầy trướng, nôn lợm, phối hợp với đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo, hương phụ, uất kim... Những trường hợp cơ thể bị sa giáng như sa tử cụng, sa ruột, thoát giang... phối hợp với các vị thuốc bổ khí trong bài bổ trung ích khí.
- Trừ ác nghịch; dùng chữa sốt rét: phối hợp với thường sơn, thảo quả. Với sốt rét ở thời kỳ đầu có thể dùng sài hồ 20g, cam thảo dây 12g, rau má 16g, lá tre 12g, bán hạ 12g, rễ định lăng trích nước gừng 20g, sinh khương 6g. Sài hồ là một trong những vị thuốc chữa bệnh hàn nhiệt vãng lai.
Liều dùng: 8 - 16g.
Kiêng kỵ: những người âm hư hoả vượng, nôn lợm, ho đầu đau căng không nên dùng. Do có chất saponin có tính chất kích thích; vì thế khi dùng liều cao, có thể gây nôn lợm
Chú ý:
- Tác dụng duợc lý: vị thuốc có tác dụng hạ nhiệt. Do đó trên lâm sàng thường dùng tốt, đối với các chứng sốt mà nhiệt độ thường chênh lệch 1°C giữa sáng và chiều; hoặc chứng hàn nhiệt vãng lai.
- Tác dụng kháng khuẩn: giống như thanh cao có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của ký sinh trùng sốt rét và trực khuẩn lỵ Sh.shiga.
- Khi dùng chữa sốt nói chung, sài hồ được tẩm với miết huyết (máu ba ba).
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Sài Hồ
Nhận xét
Đăng nhận xét