Lá cây dâu: Morus alba L. họ dâu tằm Moraceae.
Tính vị: vị ngọt, đắng, tính hàn.
Quy kinh: vào 3 kinh can, phế, thận.
Công năng chủ trị:
- Giải cảm nhiệt, dùng đối với bệnh cảm nhiệt, biểu hiện miệng khát, sốt cao, đau đầu, ho khan, có thể dùng với các vị khác; trong bài tang cúc ẩm như: tang diệp 2g, liên kiều 12g, bạc hà 4g, cam thảo 4g, hạnh nhân 12g, cát cánh 8g, lô căn 20g, sắc uống.
- Cố biểu, liễm hãn: dùng trong các trường hợp nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm, ra mồ hôi ở lòng bàn tay, có thể dùng tang diệp 300g, mẫu lệ (nung) 150g.
- Thanh can sáng mắt: dùng khi kinh can bị phong nhiệt, mắt đỏ sưng đau, viêm màng kết mạc, hoa mắt, chảy nhiều nước mắt, tang diệp 12g, cúc hoa 12g, thảo quyết minh 8g, trường hợp đau mắt đỏ, mắt xung huyết; dùng lá dâu bánh tẻ cùng với một số lá khác như lá tre, cúc hoa, bạc hà, nấu nước xông: hoặc dùng lá dâu giã nhỏ, vắt lấy dịch tẩm vào gạc, đắp lên mắt sẽ tan xung huyết.
- Làm hạ huyết áp: tang diệp, xung uý tử (hạt ích mẫu) mỗi thứ 20g, sắc uống. Có thể dùng tang chi nấu nước ngâm chân 30-40 phút, trước khi đi ngủ.
- Làm hạ đường huyết, dùng trong bệnh tiêu khát (đái đường), phối hợp với sinh địa, tri mẫu, hoài sơn, cát căn.
Liều dùng: 6 - 12g.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: tang diệp có tác dụng hạ đường huyết hạ huyết áp trên động vật thí nghiệm.
- Tác dụng kháng khuẩn: tang diệp có tác dụng ức chế trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn.
- Khi dùng, lấy lá bánh tẻ, tước bỏ cuống và xơ gân. Lá non nấu canh với tôm chà cho trẻ ăn chữa mồ hôi trộm.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CHỮA HO HEN - Cây Dâu
Xem thêm: CÂY QUẢ CÂY THUỐC - DÂU TẰM
Xem thêm: CÂY RAU LÀM THUỐC - LÁ DÂU
Nhận xét
Đăng nhận xét