Từ sinh phụ tử, sau khi chế biến bằng nhiều phương pháp khác nhau sẽ thu được phụ tứ chế với các tên khác nhau như hắc phụ, bạch phụ, diêm phụ, dưới một tên chung cho các vị thuốc này là phụ tử chế. Phụ tử chế là sản phẩm làm thuốc được chế từ những củ nhánh của cây ô đầu Aconitum fortunei Hemsl. Paxt. Họ Mao lương Ranunculaceae.
Tính vị: vị cay, ngọt; tính đại nhiệt, có độc.
Công năng chủ trị:
- Hồi dương cứu nghịch, dùng trong trường hợp tâm thận dương hư; mồ hôi tự vã ra, nôn nhiều, người lạnh toát, chân tay co quắp, mạch nhỏ muốn tuyệt; phối hợp với can khương, cam thảo (tứ nghịch thang) có thể dùng phương thuốc trên, thêm nhân sâm (tứ nghịch gia nhân sâm).
- Khứ hàn, giảm đau: dùng trong các chứng phong hàn, thấp, tý, đau nhức xương khớp, chân tay đau nhức, lạnh có thể phối hợp với quế chi, can khương.
- Ấm thận hành thuỷ: dùng với bệnh viêm thận mạn tính; hoặc chức năng thận kém, dương khí không đủ, lưng gối đau lạnh, nhất là những người già cả, chức năng thận kém, chân tay phù nề, dùng phụ tử gia quế nhục trong bài lục vị (thành bài bát vị).
- Kiện tỳ vị: dùng khi tỳ vị hư hàn.
Liều dùng: 4 - 12g.
Kiêng kỵ: những người âm hư dương thịnh, phụ nữ có thai không dùng. Trẻ em dưới 15 tuổi không dùng.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: nước sắc phụ tử chế, liều 5g/kg chuột, uống 5 ngày liền có tác dụng chống viêm, ngoài ra còn có tác dụng cường tim nhẹ đối với tim ếch, thỏ cô lập. Sau khi chế biến, alcaloid aconitin - thành phần chính trong rễ ô đầu, dưới tác dụng của nhiệt độ và phụ liệu đã chuyển thành aconin, aconin có độ độc kém hơn aconitin nhiều lần mà lại có tác dụng cường tim.
- Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc phụ tử có tác dụng ức chế đối với một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn.
Cần nhớ thêm rằng, nếu rễ ô đầu không qua chế biến thì chỉ dùng ngoài dưới dạng thuốc cồn xoa bóp, không được uống trong vì rất độc.
Nghiêm Thị Dung thấy rằng: qua các phương pháp chế khác nhau, hàm lượng aconitin có thể thay đổi và giảm đi rõ rệt. Từ dạng sống, hàm lượng đó là 0,147%; sau khi đồ, hoặc nấu (0,058%), dùng phương pháp cô áp suất, nhiệt độ (0,071%).
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Nhận xét
Đăng nhận xét