Dùng bộ phận trên mặt đất của cây bồ công anh Lactuca indica L., hoặc cây Taraxacum officinale Wigg. (còn gọi là bồ công anh Trung Quốc). Họ Cúc Asteraceae. Cả hai cây này đều mọc hoang hoặc được trồng ở hầu hết các địa phương. Riêng cây bồ công anh Trung Quốc mọc nhiều ở vùng núi nước ta như Sa Pa (Lào Cai).
Tính vị: vị đắng, ngọt, tính hàn.
Công năng chủ trị:
- Thanh can nhiệt, dùng đối với bệnh đau mắt đỏ, phối hợp với hạ khô thao, thảo quyết minh.
- Giải độc tiêu viêm dùng trong các trường hợp mụn nhọt, đặc biệt là nhọt vú, nhọt trong ruột, dùng để trị bệnh viêm ruột thừa cấp tính; ví dụ phương: bồ công anh 12g, tạo giác thích, hậu phác, đại hoàng môi thứ 12g. Nếu da bị mụn nhọt, lở loét dùng bồ công anh sắc uống lượng 20-50g, hoặc thêm cúc hoa, kim ngân hoa, mỗi thứ 12g, cam thảo 6g. Bồ công anh còn được dùng để tiêu viêm trừ mủ trong các trường hợp viêm tai, viêm đường tiết niệu, viêm gan virus, viêm dạ dày cấp. Trong những trường hợp tiêu viêm, có thể phối hợp với ké đầu ngựa, cỏ mần trầu, kinh giới, kim ngân, nhân trần, hạ khô thảo. Ngoài ra còn dùng giải độc khi rắn cắn.
- Lợi sữa, giảm đau: dùng đối với phụ nữ sau khi đẻ bị tắc tia sữa, dẫn đến sưng tuyến vú, đau đớn. Dùng lá bồ công anh tươi, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp.
- Kiện vị chỉ nôn: dùng để kích thích tiêu hoá trong các trường hợp tiêu hoá bất chấn, ăn không ngon miệng, đầy trướng bụng do khí tích ở vị tràng.
Liều dùng: 8 - 20g, tươi có thể đến 60g.
Kiêng kỵ: những người có ung nhọt thuộc thể hư hàn thì không nên dùng.
Chu ý:
- Tác dụng dược lý: bồ công anh có tác dụng lợi mật, nhuận tràng, tăng cường loại trừ chất độc, chất gây ô nhiễm qua gan, thận.
- Tác dụng kháng khuẩn: vị thuốc có tác dụng ức chế lỵ trực khuẩn Sh. flexneri và Sh. Shiga.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Bồ Công Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét