Là thân rễ phơi khô của cây xạ can - Belamcanda sinensis Lem. Họ Lay ơn Iridaceae.
Tính vị: vị đắng, cay, tính hàn có độc.
Công năng chủ trị:
- Thanh nhiệt giải độc, chữa hầu họng sưng đau, thích hợp với chứng đờm nhiệt thịnh gây ra đau họng; khi dùng có thể phối hợp với cát cánh, cam thảo trị viêm họng cấp tính, dùng xạ can 8g sắc uống. Hoặc phối hợp với hoàng cầm, cát cánh mỗi thứ 12g, cam thảo 8g. Hoặc huyền sâm, xạ can mỗi thứ 8g. Cũng có thể dùng dưới dạng dịch sắc, hãm của xạ can (kể cả lá) để súc họng, cũng có tác dụng chữa viêm họng, đặc biệt là phòng ngừa tái phát, nhất là các trường hợp viêm họng hạt, viêm họng mạn tính. Ngoài ra, xạ can còn được dùng để chữa ung độc, mụn nhọt; đặc biệt nhọt ở vú. Ở thời kỳ đầu dùng củ xạ can, rễ hoa hiên, lượng bằng nhau, giã nhỏ đắp vào chỗ sưng đau.
- Giáng khí phế, hoá đờm, bình suyễn: dùng trong các bệnh ho với tính nhiệt, đờm nhiều mà đặc, hoặc khó thở do co thắt khí quản.
- Thông kinh hoạt lạc: dùng trong trường hợp bế kinh dẫn đến bụng và sườn căng tức, trướng đầy, phối hợp với ích mẫu, kê huyết đằng, hồng hoa.
- Lợi đại tiểu tiện: dùng trong trường hợp đại tiểu tiện bí kết. Lấy một củ xạ can tươi 6g, giã nát, vắt lấy nước uống.
Liều dùng: 4 - 12g.
Kiêng kỵ: những người tỳ vị hư hàn không nên dùng.
Chú ý:
- Vị của thuốc có vị cay tê, dễ kích thích niêm mạc đường tiêu hoá, không nên uống lúc quá đói.
- Ngoài thân rễ, có thể dùng lá ngậm khi viêm họng. Tuy nhiên tránh ngậm nhiều phòng bị dộp niêm mạc miệng.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Xạ Can
Xem thêm: CÂY HOA CÂY THUỐC - XẠ CAN
Nhận xét
Đăng nhận xét