Dùng thân rễ của cây hoàng liên chân gà Captis teeta Wall. Họ Mao lương - Ranunculaceae. Ngoài ra còn dùng các loại thổ hoàng liên khác như Berberis Whallichiana DC. (hoàng liên gai), Mahonia bealii Carr. (hoàng liên ô rô), Thalictrum foliolosum DC. (thổ hoàng liên, mã vĩ thảo).
Tính vị: vị đắng, tính hàn.
Công năng chủ trị:
- Thanh nhiệt táo thấp: thuốc có vị rất đắng có khả năng ráo thấp. Tính hàn có thể thanh nhiệt dẫn đến tiết tả lỵ, lỵ ra máu (kể cả lỵ trực trùng và lỵ amíp), viêm ruột, có thể dùng riêng hoặc dùng phối hợp với các vị thuốc khác như nam mộc hương, định hương, thanh bì, trần bì, tam lăng, nga truật, bán hạ, ba đậu, ô mai (bài Bí phương hoá trệ hoàn để chữa lỵ). Khi vị nhiệt gây nôn lợm có thể phối hợp với trúc nhự, bán ha, quất bì. Nếu đại tiện bí táo thì phối hợp với ba đậu sương. Lấy bột mịn của hai thuốc trên làm thành bánh. Mặt khác nhỏ dịch củ hành có pha ít muối vào thần khuyết (rốn) của người bị bệnh. Đặt bánh hoàng liên ba đậu lên trên rốn. Dùng mồi ngải cứu đốt trên miếng thuốc nói trên.
- Thanh tâm trừ phiền: dùng khi tâm hoả thịnh dẫn đến chứng tâm hồi hộp, loạn nhịp, người bồn chồn, buồn bực, mất ngủ, niêm mạc miệng, lưỡi bị lở, phồng dộp, phối hợp với chu sa, toan táo nhân...
- Thanh can sáng mắt: dùng điều trị các bệnh do can hoả, gây ra đau mắt đỏ, sưng phù, nước mắt chảy dòng do can đởm thấp nhiệt, phối hợp với hạ khô thảo.
- Chỉ huyết: dùng đối với những trường hợp huyết nhiệt dẫn đến chảy máu cam, nôn ra máu; cần phối hợp với đại hoàng (sao cháy), hoàng cầm.
- Giải độc hạ hoả: thuốc có khả năng giải độc mạnh; dùng đối với chứng nhiệt độc như ung nhọt độc bên trong; tà nhiệt thiêu đốt, sốt cao chóng mặt, nói mê sảng phát cuồng, có thể phối hợp với hoàng cầm, hoàng bá, mỗi thứ 8g, chi tử 12g.
Liều dùng: 2 - 12g.
Kiêng kỵ:
- Những người âm hư phiền nhiệt, tỳ hư tiết tả không nên dùng. Khi dùng có thể tấm với nước gừng hay nước sơn thù du để giảm bớt tính lạnh của vị thuốc. Cũng cần chú ý rằng với hoàng liên, dùng liều nhỏ còn có tác dụng kiện vị, kích thích tiêu hoá, liều lớn gây nôn, tổn thương đến dịch vị.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: chất berberin, alealoid chính của hoàng liên, ở thể nội hoặc thể ngoại đều có tác dụng tăng cường công năng của bạch cầu (đối với khả năng nuốt tụ cầu vàng). Berberin còn có tác dụng lợi mật, dùng tốt cho bệnh viêm túi mật. Ngoài ra còn có tác dụng hạ huyết áp, hạ nhiệt, hưng phấn tử cung, dạ dầy, ruột.
- Tác dụng kháng khuẩn: hoàng liên có phổ kháng khuẩn rộng, ức chế đối với trực khuẩn thương hàn, đại tràng, bạch hầu, ho gà, mủ xanh, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, song cầu khuẩn viêm não và song cầu khuẩn viêm phổi, ức chế virus cúm, ức chế một số nấm ngoài da.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CHỮA LỴ TRỰC TRÙNG - Hoàng Liên
Xem thêm: CHỮA LỴ TRỰC TRÙNG - Hoàng Liên Gai
Xem thêm: CHỮA LỴ TRỰC TRÙNG - Hoàng Liên Ô Rô
Nhận xét
Đăng nhận xét