Là rễ của cây long đởm Gentiana scabra Bge, G.manshurica Kitag. Họ long đởm - Gentianaceae.
Tính vị: vị đắng, tính hàn.
Công năng chủ trị:
- Thanh trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu, trừ hoả độc ở can đởm: dùng trong các trường hợp mắt đau đỏ, sưng thũng viêm kết mạc do can hoả dẫn đến; hoặc dùng trong bệnh can đởm thấp nhiệt, bệnh viêm gan vàng da; có thể phối hợp với các vị khác trong phương long đởm tả can thang: long đởm, hoàng cầm, trạch tả, mộc thông, sa tiền tử, đương quy, sài hồ, cam thảo, sinh địa.
- Thanh phế hoả: dùng trong các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amiđan, ngoài ra còn dùng trong bệnh viêm tai giữa, tai có mủ, bệnh viêm tinh hoàn cấp tính, có thể phối hợp với chi tử.
- Trừ hỏa độc phần dinh huyết trị bệnh thương hàn, sốt cao phát cuồng: dùng bột long đởm 8g quấy đều với 1 lòng trắng trứng và mật ong, có pha nước sôi để nguội mà uống. Ngoài ra trong các trường hợp sốt cao khác, gây co giật, có thể dùng long đởm.
- Bình can hạ áp: dùng chữa huyết áp cao, đau đầu, phối hợp với câu đằng, thảo quyết minh trong phương long đởm tả can thang.
- Giải độc, trừ giun đũa: long đởm 40g, sắc uống vào mỗi buổi sáng, uống lúc đói. Ngoài ra còn có thể dùng để trừ sỏi gan, sói mật.
Liều dùng: 4 - 12g.
Kiêng kỵ: những người tỳ vị hư nhược, âm hư phát sốt không nên dùng.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: với lượng nhỏ (liều 0,1g) có thể xúc tiến sự phân tiết dịch vị làm tăng lượng acid trong dịch vị, do đó mà dùng nó làm thuốc kiện vị. Tuy nhiên, dùng liều lớn sẽ kích thích niễm mạc dạ dày, dẫn đến nôn. Do thuốc có tác dụng hạ thấp men chuyển hoá amin, trên thực tế có thế dùng thuốc dự phòng bệnh viêm não truyền nhiễm.
- Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc có tác dụng ức chế trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lỵ, tụ cầu vàng.
- Long đởm có vị rất đắng, không nên dùng lâu sẽ ảnh hưởng tới việc ăn uống.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Long Đởm Thảo
Nhận xét
Đăng nhận xét