Dùng thân rễ của cây bán ha - Typhonium trilobatum Schott, (bán hạ nam). Họ Ráy - Araceae.
Tính vị: vị cay, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Làm ráo thấp, trừ đàm, chỉ ho: dùng trong các chứng đàm thấp, biểu hiện ho có nhiễu đàm còn dùng chữa viêm khí quản mạn tính, hoặc kèm theo mất ngủ, hoa mắt, có thể dùng bài Nhị trần thang: bán hạ, phục linh, trần bì mỗi thứ 12g, cam thảo 10g sắc uống. Nếu đàm nhiều có thể dùng bán hạ (sao gừng) 12g, thổ phục linh 16g, trần bì (sao thơm), chỉ thực (sao); tinh tre mỗi thứ 12g, cam thảo dây 8g, gừng sống 4g, sắc uống.
- Giáng nghịch cầm nôn: dùng để điều trị khí nghịch lên mà gây nôn, có thể dùng chung với gừng, mỗi thứ 12g, sắc uống, hoặc có thể dùng bán hạ 40g, chỉ xác 28g, phèn phi 32g để chữa nôn hoặc chữa đàm ở não gây kinh giản.
- Tiêu phù, giảm đau, giải độc: dùng ngoài trị rắn cắn sưng đau, dùng bán hạ tươi giã nát đắp vào.
Liều dùng: 4 - 12g.
Kiêng kỵ: những người có chứng táo, nhiệt, không nên dùng, người có thai dùng cần thận trọng.
Chú ý: ngoài vị bán hạ Nam, trên thị trường còn có vị bán hạ Bắc, chế từ cây Pinellia ternata (Thunb) Breit, cùng họ ráy.
- Khi dùng bán hạ phải qua khâu chế biến có thể chế bằng nhiều phương pháp khác nhau ta sẽ được các thành phẩm, dùng cho các bệnh khác nhau. Ví dụ: khương bán hạ (bán hạ chế với gừng) có tác dụng cầm nôn, pháp bán hạ (bán bạ chế với nhiều phụ liệu khác nhau như chế với gừng, phèn chua, tạo giác, vôi có tác dụng hoá đàm. Khúc bán hạ (bán hạ chế với lục thần khúc) có tác dụng kiện vị, tiêu thực.
- Tác dụng dược lý: bán hạ chưa qua chế biến sẽ làm cho chim bồ câu, chuột lang nôn mạnh, chuột nhắt bị ho. Qua chế biến với gừng hoặc đem bán hạ sắc lên với thời gian kéo dài trên 12 giờ, dịch bán hạ lại có tác dụng cầm nôn và chỉ ho.
Phùng Hoà Bình và cộng sự phát hiện trong bán hạ Nam mọc ở Việt Nam có alcaloid, sterol, acid amin... Tác dụng chống ho, chống nôn, trừ đàm thể hiện rõ nhất là sau khi chế bán hạ. Phạm Xuân Sinh, Nguyễn Mạnh Tuyển dùng bán hạ trong phương Nhị trần thang (bán hạ, trần bì, bạch linh, cam thảo) và Nhị trần gia vị cóc mẩn, hạnh nhân thấy có tác dụng chống ho, trừ đàm tốt.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Bán Hạ
Xem thêm: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - CỦ CHÓC
Nhận xét
Đăng nhận xét