Dùng rễ của cây cỏ tranh - Imperata cylindrica Beauv. Họ Lúa - Poaceae.
Tính vị: vị ngọt, tính hàn.
Công năng chủ trị:
- Trừ phục nhiệt (nhiệt độc có trong cơ thể), tiêu ứ huyết dùng trong các trường hợp nội nhiệt sinh phiền khát, phế nhiệt sinh ho, suyễn tức, khó thở, ngực đầy trướng, bí tích, vị nhiệt sinh nôn lợm, có thể dùng bạch mao căn tươi 40g sắc uống hoặc bạch mao căn 12g, cát căn 12g sắc uống.
- Lương huyết chỉ huyết: dùng trong các trường hợp tiểu tiện ra máu, thổ huyết, máu cam, ho ra máu; phối hợp với hoè hoa (sao đen), trắc bá diệp, huyết dụ, ngẫu tiết, cỏ nhọ nồi. Ngoài ra còn có tác dụng tư âm thanh nhiệt.
- Lợi niệu tiêu phù nề: dùng trong bệnh viêm thận cấp, tiểu tiện khó khăn, đái dắt, đái buốt bệnh hoàng đản thấp nhiệt có thể dùng bạch mao căn, râu ngô, mã đề, đậu đỏ, mỗi thứ 12g, hoặc cỏ tranh 30g, râu ngô 40g, hạt mã đề 25g, cúc hoa 5g.
- Thanh phế chỉ ho: dùng bạch mao căn phối hợp với cam thảo, sa sâm để đề phòng bệnh ho gà có hiệu quả.
Liều dùng: 12 - 40g.
Kiêng kỵ: phụ nữ có thai và những người ở thể hư hàn không có thực nhiệt không nên dùng.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: THÔNG TIỂU TIỆN VÀ THÔNG MẬT - Cỏ Tranh
Nhận xét
Đăng nhận xét