Dùng rễ của cây mẫu đơn Paeonia suffruticosa Andr. Họ Mao lương - Ranunculaceae.
Tính vị: vị đắng, tính hơi hàn.
Công năng chủ trị:
- Thanh nhiệt lương huyết, thuốc do đắng, lạnh, có thể nhập vào phần huyết, có tác dụng thanh huyết nhiệt: dùng đối với các chứng chảy máu như thổ huyết, chảy máu cam, ban chẩn, thường phối hợp với tê giác, sinh địa, xích thược.
- Làm ra mồ hôi, thường phối hợp với thạch cao, miết giáp để dưỡng âm thanh nhiệt, phối hợp với sinh địa để nuôi dưỡng thận âm.
- Thanh can nhiệt, khi kinh can bị nhiệt, xuất hiện kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, đau đầu, hoa mắt, sườn đau tức, lưỡng quyên hồng, phối hợp với chi tử, sài hồ.
- Hoạt huyết, khứ ứ: dùng trong các trường hợp bế kinh, tích huyết, chấn thương sưng tím đau nhức, cơ cân, có thể phối hợp với hồng hoa, đào nhân; đau nhọt trong ruột (lúc chưa thành mủ), có thế phối hợp với đại hoàng.
- Giải độc: dùng cho các bệnh mụn nhọt, sưng đau, do nhiệt độc thịnh, thường phối hợp với thuốc thanh nhiệt lương huyết, tiêu huyết, tán ứ khác như tô mộc, ngưu tất.
- Hạ huyết áp: dùng trong các bệnh cao huyết áp, bệnh xơ cứng động mạch, động mạch đáy mắt bị xơ cứng teo thoái, cao huyết áp do gan (do kinh can uất hoả) có thể phối hợp với cúc hoa, kim ngân hoa, thảo quyết minh.
Liều dùng: 8 - 16g.
Kiêng kỵ: vị thuốc có tác dụng thông kinh, hoạt huyết cho nên không dùng được cho những người có kinh nguyệt nhiều, phụ nữ có thai âm hư ra nhiều mồ hôi.
Chú ý:
- Vị thuốc này và vị địa cốt bì vừa giới thiệu trộn đều có tác dụng thanh nhiệt ở phần âm, dùng để trị chứng lao nhiệt, nóng âm ỉ trong xương cốt (cốt chưng), nhưng địa cốt bì dùng với chứng “cốt chưng” có mồ hôi, còn mẫu đơn bì dùng với chứng “cốt chưng” không có mồ hôi.
- Tác dụng dược lý: thuốc có tác dụng hạ huyết áp; nếu phối hợp với các vị thuốc hạ huyết áp khác thì tác dụng tăng lên nhiều. Còn có tác dụng chống viêm khớp. Có tác dụng làm cho lớp màng bên trong của tử cung động vật thí nghiệm sung huyết. Chính vì vậy mà có tác dụng thông kinh.
- Tác dụng kháng khuẩn: thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, phó thương hàn, trực khuẩn biến hình, trực khuẩn mủ xanh, đại tràng, ho gà, liên cầu khuẩn và một số nấm.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Mẫu Đơn Bì
Nhận xét
Đăng nhận xét