Dùng toàn cây khi có hoa của cây cóc mẳn - Centipeda ninima L. Hạ Cúc Asteraceae. Thường thu hái khi cây ra hoa, trừ bỏ tạp chất có thể dùng tươi hoặc khô.
Tính vị: vị đắng, cay, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Thanh phế chỉ khái: dùng trong các trường hợp ho khan; có thể dùng 20g khô hoặc 30g tươi sắc uống; khi trẻ em bị ho gà có thể phối hợp với chua me đất, mỗi thứ 12g: giã nhỏ vắt lấy nước cốt cho uống. Ngoài ra còn dùng chữa viêm khí quản mạn tính.
- Làm thông tắc mũi, lấy cây tươi giã nát; lấy dịch thấm vào bông rồi nhét vào lỗ mũi ngày vài lần.
- Bình can hạ áp: dùng chữa cao huyết áp, có thể phối hợp với hạ khô thảo, mẫu đơn bì.
- Thanh can sáng mắt: dùng trong các bệnh đau mắt do viêm giác mạc.
- Thanh nhiệt tiêu độc: dùng trong các bệnh dị ứng, chốc lở; có thể uống trong hoặc đắp vào vết loét. Ngoài ra còn dùng chữa rắn cắn; khi rắn cắn có thể giã nát cây; đắp vào vết thương.
Liều dùng: 12 - 220g
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: Phạm Xuân Sinh, Hoàng Kim Huyền và cộng sự đã nghiên cứu cây cóc mẳn ở Từ Liêm Hà Nội, Thái Bình, Bắc Thái. Xác định sự có mặt của saponin triterpenic, sterol, coumarin, tinh dầu. Đồng thời nghiên cứu về dược lý thấy rằng cóc mẳn có tác dụng giảm ho rõ rệt ở nhiều dạng chế phẩm khác nhau song ở dạng nước ép cây tươi và dịch saponin toàn phần ở các liều 0,25 và 0,05g/kg thể trọng (chuột) có tác dụng giảm ho tốt và tốt hơn codein ở liều 0,2mg/kg thể trọng (chuột). Ngoài ra còn có tác dụng long đàm tốt; trong đó dịch saponin toàn phần thể hiện tốt nhất.
- Tác dụng kháng khuẩn: Phạm Xuân Sinh - Chu Thị Lộc và cộng sự thấy dịch chiết có tác dụng ức chế B. subtilis, B. pumilus, Sarcina lutea, Sal.typhi, Sh.flexneri, Pseudomonas pyoeccanca, Escherichia coli.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CHỮA HO HEN - Cóc Mẳn
Xem thêm: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - CÓC MẨN
Nhận xét
Đăng nhận xét