Dùng hoa và lá cây cà độc dược Datura metel L. Họ Cà Solanaceae có loại cây hoa trắng hoặc loại cây cuống lá tím, hoa có đốm tím. Hai loại này có mọc ở miền núi và đồng bằng; hoặc cây Datura stramonium cùng họ, cây này có mọc ở vùng núi Mường Khương - Lào Cai (hạt của nó màu đen hình thận).
Tính vị: vị đắng, tính ấm, có độc (khi dùng phải thận trọng).
Công năng chủ trị:
- Định suyễn, dùng đối với hen phế quản có thể dùng hoa, lá khó, thái nhỏ thành sợi (0,4g) cuốn lại như điếu thuốc lá mà hút, sẽ cắt được cơn hen (chỉ dùng với người lớn).
- Giảm đau: dùng trị bệnh đau đa dày, đau khớp dùng liều 0,4g, sắc uống. Hoặc dùng 12g sắc, xông và rửa vào chỗ khớp bị đau.
- Sát khuẩn: chữa rắn cắn, dùng quả tươi giã nát đắp vào chỗ rắn cắn, mụn nhọt hoặc chỗ bị chấn thương.
Độc bảng A. Cồn lá khô 1/10, liều tối đa cho người lớn 2g/1 lần, 6g trong 24h; liều trung bình cho người lớn 0,5 một lần, 2g trong 24h.
Liều dùng: 0,20g/một lần (bột lá). 24 giờ 0,6g. Dùng liều lượng này cho cao lỏng 1:1.
Kiêng kỵ: không dùng vị thuốc này đối với trẻ em dưới 15 tuổi và phụ nữ có thai.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: Ngô Vân Thu, Phạm Xuân Sinh thấy rằng alcaloid toàn phần của cà độc dược có tác dụng làm giãn cơ trơn ở đường tiêu hoá và ở khí quản; do đó có thể làm giảm nhu động ruột làm hết cơn đau dạ dày ruột, và làm hết hen.
- Hai tác giả trên đã phân lập alcaloid atropin từ cà độc dược. Từ alcaloid toàn phần thấy có tác dụng giãn đồng tử mắt thỏ, huỷ phó giao cảm; làm giảm nhu động ruột cô lập (chó) một cách đáng kể. Với tác giả khác còn cho thấy rằng cà độc dược còn có tác dụng giãn cơ trơn ở phế quản, làm hết cơn hen.
Ở Trung Quốc còn dùng chế phẩm cà độc dược để gây tê trong phẫu thuật.
- Tác dụng kháng khuẩn: thuốc có tác dụng ức chế Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CHỮA HO HEN - Cây Cà Độc Dược
Xem thêm: Cây Hoa Chữa Bệnh - DƯƠNG KIM HOA
Nhận xét
Đăng nhận xét