Trên thực tế trần bì là vỏ chín, phơi khô, được chế theo phương pháp y học cổ truyền của một số cây họ Cam - Rutaceae như quýt, cam giấy, cam đường.
Tính vị: vì đắng, cay, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Hành khí, hoà vị dùng đối với bệnh đau bụng do lạnh phối hợp với bạch truật, can khương
- Chỉ nôn, chỉ tả: dùng khi bụng ngực đầy trướng, ợ hơi buồn nôn, hoặc phối hợp với bạc hà, tô diệp, hoàng liên.
- Hoá đàm ráo thấp, chỉ ho hoặc dùng chữa các chứng bí tích, bứt rứt trong ngực, có thế phối hợp với các vị thuốc khác trong bài nhị trần thang: trần bì 8g, bán hạ, phục linh mỗi thứ 12g, cam thảo 4g. Chữa viêm khí quản mạn tính, phối hợp với xạ can, la bạc tử, tô tử, bán ha...
- Hạt quýt (quất hạch), vị đắng tính bình, tác dụng hành khí sơ can, dùng trị bệnh sán thống (đau ruột non, đau tinh hoàn, thoát vị bẹn), có thể dùng hạt chanh cho các bệnh đó.
- Lá quýt, vị đắng, tính bình. Trị bệnh nhọt ở vú, vú kết hòn cục, sườn ngực đau. Ngoài ra còn dùng chữa bệnh phong thấp cước khí.
Liều dùng: trần bì 4 - 12g.
Kiêng kỵ: những người ho khan, âm hư không có đàm, không nên dùng.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: tinh dầu trong trần bì có tác dụng kích thích vị tràng, tăng phân tiết dịch tiêu hoá, bài trừ khí tích trong ruột; còn có tác dụng trừ đàm. Chất hesperidin trong trần bì có tác dụng trừ đàm và kéo dài tác dụng của chất corticoid, còn duy trì tính thẩm thấu của mạch máu một cách bình thường, giảm tính giòn của mạch máu. Phạm Xuân Sinh và Hoàng Kim Huyền thấy rằng các dạng trần bì sống, chế và tinh dầu đều có tác dụng chống ho trừ đàm trên động vật, thí nghiệm trên (mèo, chuột). Trong đó dạng vi sao có tác dụng tốt hơn.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Quýt - Trần Bì
Nhận xét
Đăng nhận xét