Dùng rễ của cây bạch truật - Atractyloides macrocephala Koidz. Họ Cúc Asteraceae.
Tính vị: vị ngọt đắng, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Kiện tỳ, lợi thủy, ráo thấp: dùng trong bệnh tỳ hư vận hoá nước trì trệ, gây phù thũng, tiểu tiện khó khăn, dùng phối hợp với hoàng kỳ, phục linh.
- Kiện vị, tiêu thực, dùng khi công năng của tỳ vị hư nhược, tiêu hoá không tốt, bụng đầy trướng, đau, buồn nôn; có thể dùng bạch truật 12g, chỉ xác 6g. Ngoài ra còn dùng để trị bệnh ỉa chảy do tỳ vị thấp trệ, đại tiện lỏng, có thể phối hợp với đẳng sảm, can khương, cam thảo trong phương Lý trung thang. Trong trường hợp tỳ vị dương hư, chân tay giá lạnh, thêm phụ tử sẽ có phương phụ tử - lý trung thang. Để kiện tỳ, bổ khí bạch truật phối hợp với hoàng kỳ, long nhãn, táo nhân, đăng sâm... trong bài quy tỳ.
- Cố biểu, liễm hãn, dùng trong bệnh mồ hôi trộm (đạo hãn), phối hợp hoàng kỳ, khiếm thực.
- An thai, chỉ huyết: dùng trong khi động thai phối hợp với trư ma căn, ngải diệp, tô ngạnh.
Liều dùng: 4 - 12g.
Kiêng kỵ: những người âm hư háo khát không nên dùng.
Chú ý:
- Bạch truật dùng không qua chế biến để trị bệnh thấp nhiệt, khi sao tẩm như tẩm mật; có tác dụng bổ tỳ, trị nôn mửa, đau bụng, an thai, sao cháy có tác dụng chỉ huyết.
- Tác dụng dược lý: nước sắc bạch truật có tác dụng lợi niệu và duy trì khả năng bài xuất điện giải natri.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Nhận xét
Đăng nhận xét